Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy giá trị từ di bút của nhà văn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những cây viết danh giá lần lượt ra đi, để lại cho bạn đọc sự hẫng hụt, tiếc nuối khó tả.

Song mới đầu tháng 4 này, 3 tập nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hội ngộ bạn đọc trong phiên bản mới, câu chuyện từ di bút của nhà văn mới như được mở thêm cánh cửa.

Di bút của cha và tấm lòng của mẹ

Trong căn nhà nhỏ nằm trên con phố mang tên cha mình, những kỷ vật, di bút của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn được các con ông nâng niu, gìn giữ. Lật giở những cuốn nhật ký đã ngả màu thời gian, ông Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn) chia sẻ: “Cuốn đầu tiên cha tôi viết khi còn là cậu học trò trường Bonnal, Hải Phòng, ấy là những năm 1930. Cuốn cuối cùng ông viết khi đang nằm trên giường bệnh (1960). Có cuốn chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, được đóng bằng giấy bản khi ông sống “ba cùng” với bà con nông dân đang tiến hành cải cách ruộng đất ở Phú Thọ…”. 
Sổ nhật ký - “những đứa con tinh thần” không thể thiếu của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. 	Ảnh: Đặng Thủy
Sổ nhật ký - “những đứa con tinh thần” không thể thiếu của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Đặng Thủy
Hơn nửa thế kỷ đã qua, 40 cuốn nhật ký được nhà văn viết ròng rã trong 30 năm ấy vẫn hiện diện quả là một sự hi hữu. Nhưng sự hi hữu ấy hoàn toàn có cơ sở. Ông Thắng kể, cha ông rất coi trọng những đứa con tinh thần, một lá thư của người thân, một cuốn sách được tặng, một trang tư liệu hay một bản thảo đã dùng… đều được ông lưu giữ cẩn thận.

Ngày kháng chiến, khi không thể đem theo tất cả, ông gửi lại quê nhà để rồi khi hòa bình, những tập nhật ký lớn nhỏ lại được mang về cùng những bản thảo cũ. Khi ông qua đời, vợ ông - bà Trịnh Thị Uyên, coi những tập nhật ký của chồng là ưu tiên số một cần bảo quản. “Thời gian đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, toàn bộ nhật ký của cha tôi được mẹ tôi cho vào chiếc vali nhỏ. Chiếc vali ấy, bà luôn để sẵn bên mình để bất cứ lúc nào cũng có thể đem đi sơ tán” - ông Thắng nhớ lại.

Phát huy giá trị

Trong nhật ký, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tự dặn mình: “Phải trữ văn cho nhiều, khi dùng đến sẽ được thư thả”. Đọc những dòng ký thác nhỏ li ti viết kín trong từng trang nhật ký, nhìn số lượng nhật ký mà ông ghi trong suốt 30 năm, thật nể “lời tự dặn” mà ông ngẫm cho mình. 

Cái cách Nguyễn Huy Tưởng “trữ văn” bằng nhật ký không phải hiếm. Phan Tứ - người từng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, khi qua đời cũng để lại khối di bút khổng lồ với hàng trăm cuốn sổ viết tay được đánh số cẩn thận, ghi rõ từng ngày tháng. Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… cũng để lại nhật ký chiến trường đầy giá trị. Có điều đặc biệt là cả Nguyễn Huy Tưởng và Phan Tứ đều may mắn có người bạn đời âm thầm cất giữ di bút như một báu vật vô giá. Và người “giải mã” để đưa khối di bút ấy đến với công chúng chính là những người thân của nhà văn. Với 3 tập “Từ chiến trường khu 5” của Phan Tứ, chị gái của nhà văn - bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kính) đã cật lực suốt 5 năm để biên soạn rồi cùng nhóm dịch thuật dịch lại những phần tư liệu ông viết bằng tiếng Nga, Pháp và Lào. Với 3 tập nhật ký hơn 1.400 trang của Nguyễn Huy Tưởng, ông Nguyễn Huy Thắng cũng trải bao tháng ngày dồn tâm sức để biên soạn…

Ông Nguyễn Phương Vũ - con trai cố nhà văn Tô Hoài thì cho biết, sau khi nhà văn qua đời, anh đã tập hợp được gần 100 cuốn nhật ký, sổ tay ghi chép từ năm 1947 cho đến những năm cuối đời. Số lượng này chỉ chiếm 1/3 di cảo của nhà văn bởi rất nhiều trang viết không giữ được do biến động của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian. Tuy nhiên, việc tập hợp và biên soạn thành hệ thống từ những cuốn sổ này không dễ dàng. “Cụ tôi viết chữ rất khó đọc, lại hay dập xóa nên không hiểu cụ thì không thể luận được chữ viết. Rất nhiều cuốn sách chữ nhỏ, tôi phải dùng cả kính lúp mới đọc được” – ông Vũ thành thật. Từ khi Tô Hoài mất (năm 2014) đến nay, anh Vũ mới biên soạn được 2 cuốn từ khối di bút ngổn ngang này. Chợt nghĩ, thật khó để phát huy các giá trị từ di bút của nhà văn nếu chỉ trông đợi ở sự nỗ lực của gia đình họ…

Di bút không chỉ thể hiện rõ nhất phẩm chất người viết, mà còn là nguồn tư liệu quý trong xuất bản. Hiện nay, nhiều nhật ký, bản thảo của các nhà văn nổi tiếng đã được các NXB khai thác để phát hành dưới dạng sách. Một số ít cũng đã được gia đình nhà văn gửi trao tại Bảo tàng Văn học, nhà lưu niệm. Đó cũng chính là cách góp phần phát huy giá trị từ di bút nhà văn.