Phát huy vai trò của nông dân Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/12, Hội Nông dân (HND) TP phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tọa đàm Vai trò của Hội nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với 19 ý kiến tham luận của các cán bộ, hội viên nông dân cấp cơ sở, tập trung vào nhiều nhóm vấn đề sát với thực tế xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu tại 6 huyện: Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì. Trong đó, nông dân quan tâm nhất là vấn đề hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất – kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật; cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn, tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ liên kết tìm đầu ra bền vững cho nông sản…

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại buổi tọa đàm, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) và Liên minh Hợp tác xã TP cũng đã giải đáp các câu hỏi của nông dân liên quan đến các vấn đề cán bộ, hội viên nông dân nêu.

Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, HND TP sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý kiến của cán bộ, hội viên và trao đổi, thảo luận với các sở, ngành để đưa ra các giải pháp phù hợp cũng như có hướng dẫn cụ thể, sát với nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với TP thông qua việc triển khai thực hiện tốt Chương trình số 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”.

Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, các cấp HND TP Hà Nội đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện. Điển hình phải kể đến các phong trào thi đua, cuộc vận đông nông dân hoàn thành dồn điển đổi thửa, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa. Các hoạt động hướng dẫn, tổ chức cho nông dân chuyển đổi, phát triển các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân thành nhóm hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đáng chú ý, thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và các chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT đã hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên nông dân, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đáng ghi nhận từ việc triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, TP đã có 12/18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. 382/382 xã trên địa bàn TP đã về đích NTM, hoàn thành mục tiêu TP đề ra trong năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần