Vơi nỗi lo được mùa mất giáTrên diện tích 730ha, gần 2.700 thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) tập trung đầu tư, canh tác lúa hàng hóa, chủ yếu là Bắc Thơm số 7 và nếp cái hoa vàng. Mô hình canh tác theo hướng VietGAP cho năng suất lúa khoảng 12 tấn/ha/năm.
Hà Nội có lợi thế rất lớn để phát triển các chuỗi liên kết nhờ thị trường tiêu thụ rộng mở. Nhưng để tận dụng được lợi thế này, TP cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của các DN, đặc biệt là ở hai khía cạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xúc tiến thương mại.Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Duy |
Tháng 10/2015, được sự hỗ trợ của các sở, ngành, HTX Nông nghiệp Tam Hưng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”. Nhờ làm tốt khâu liên kết, nên việc tiêu thụ gạo thơm Bối Khê khá thuận lợi. Hiện, sản phẩm đã có mặt tại một loạt hệ thống bán lẻ phổ biến như Vinmart, Bác Tôm, Sói Biển…
Mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ gạo thơm Bối Khê của HTX Nông nghiệp Tam Hưng chỉ là 1 trong số 79 mô hình liên kết chuỗi có nguồn gốc thực vật được xây dựng và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực trên địa bàn Hà Nội. Hiện, các chuỗi liên kết tập trung vào nhóm cây trồng chủ đạo là chè, gạo, rau an toàn và trái cây. Ngoài gạo thơm Bối Khê, nhiều nông sản khác cũng đang dần tạo dựng được tiếng tăm trên thị trường tiêu dùng Hà Nội như bưởi Quế Dương (Hoài Đức), chuối Vân Nam (Phúc Thọ), chè Bắc Sơn (Sóc Sơn)…
Đáng chú ý, tổng số DN ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản an toàn liên tục tăng qua các năm. Đến nay, đã có khoảng 208 DN tham gia chuỗi liên kết, với khối lượng thu mua nông sản đạt khoảng 42 tấn/ngày. Giá nông sản ổn định và cao hơn so với bên ngoài thị trường 10 – 20%, không chỉ giúp giải bài toán được mùa mất giá mà còn tăng đáng kể thu nhập cho người nông dân.
Cần sự đồng hành của doanh nghiệpKết quả đáng ghi nhận trong phát triển các chuỗi nông sản nguồn gốc thực vật có được không thể không nhắc tới vai trò của các DN. Đây là lực lượng đóng vai trò then chốt, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, vừa trực tiếp giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản.
Dù vậy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí thẳng thắn nhìn nhận, liên kết giữa các DN với người sản xuất đôi khi còn lỏng lẻo, dẫn tới tình trạng phá hợp đồng thường xuyên xảy ra. Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thực tế cao, chưa tạo được sức cạnh tranh. Đặc biệt, tình trạng liên kết sản xuất không theo thị trường còn phổ biến dẫn tới cung vượt cầu và là nguyên nhân của tình trạng được mùa mất giá…
Thực tế cho thấy, liên kết chuỗi mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ DN và người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, để liên kết thực sự bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, cần có sự gắn kết, trao đổi thông tin nhiều hơn nữa giữa các DN và người nông dân. Cùng với đó, Nhà nước sẽ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các DN vào phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Cũng theo ông Tường, các giải pháp về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng rất cần được chú trọng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu số lượng mà còn cả đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của thị trường.