Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển chuỗi nông sản an toàn: Các bên đều hưởng lợi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nông dân Hà Nội không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tích cực tham gia xây dựng, nhân rộng các chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Thành công bước đầu của các chuỗi đã và đang gia tăng giá trị cho nông sản, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Chăm sóc rau an toàn tại HTX Rau an toàn Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ánh Ngọc
Nhiều mô hình hiệu quả
Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) là một trong những HTX tiêu biểu của huyện Chương Mỹ về sản xuất an toàn. Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Thụy Hương Nguyễn Thị Hường chia sẻ, địa phương đã vận động được 30 nông dân tham gia thành lập HTX, thí điểm chuyển đổi sang trồng rau an toàn, phát triển thành chuỗi sản xuất - cung ứng rau quy mô lớn của TP. Đến nay, HTX có hơn 20ha rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 5.000m2 rau được trồng tập trung trong nhà lưới, nhà kính hiện đại, công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, thu nhập bình quân đạt 275 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ sản lượng rau của HTX đều được DN, trường học, cơ quan, siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ nên nông dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra.
Sản xuất an toàn đang là xu hướng tích cực, quyết định gia tăng giá trị của nông sản, được nông dân hưởng ứng, nhưng để các chuỗi nông sản phát triển bền vững, rất cần chính sách hỗ trợ cụ thể, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng

Ngoài cây rau, được sự hỗ trợ của HND TP và Sở NN&PTNT Hà Nội, nông dân tại nhiều huyện đã triển khai thực hiện nhiều chuỗi sản xuất trái cây, lúa gạo chất lượng cao. Điển hình là chuỗi sản xuất lúa gạo Bối Khê tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Với quy hoạch 584ha lúa hàng hóa chất lượng cao, trong đó khoảng 300ha trồng giống nếp cái hoa vàng và gần 30% diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, chuỗi lúa gạo Tam Hưng cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn gạo chất lượng cao mỗi năm. HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng đã liên kết với DN xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vào hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị... nhằm quảng bá sản phẩm gạo thơm Bối Khê đến người tiêu dùng.

Để có được kết quả này, thời gian qua, HND TP đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi cho hiệu quả cao. Đến nay, trên địa bàn TP đang duy trì 80 chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết

Hiện sản xuất nông sản tại Hà Nội đang được tổ chức khá bài bản. Ở nhiều địa phương, nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết nông sản an toàn để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ nông sản thông qua liên kết trên địa bàn TP vẫn còn một số hạn chế. Theo Sở NN&PTNT, toàn TP có khoảng 15% lượng nông sản an toàn được tiêu thụ thông qua liên kết, so với mức trung bình của cả nước tuy đạt cao hơn nhưng chưa như kỳ vọng. Một khó khăn nữa là việc tham gia sản xuất theo chuỗi còn vướng mắc trong tổ chức, liên kết các hộ nông dân thành những tổ, nhóm. Đáng nói, việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tạo mối liên kết với các đơn vị, giữa người sản xuất, nhà phân phối cũng chưa được các địa phương trên địa bàn TP quan tâm đúng mức.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu với TP hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX và nông dân trong đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Sở sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích HTX, DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với HND TP và các đơn vị chức năng nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông sản an toàn. Đặc biệt là thiết lập các kênh thông tin giới thiệu nông sản an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.