Phát triển cơ sở hạ tầng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Chiều 30/3, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS tiếp tục diễn ra phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng” với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, học giả, các tổ chức tài chính và doanh nhân trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh:VGP/Tuấn Dũng
Tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia, tạo động lực cho sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam và một số thành viên GMS.
Việt Nam ý thức rằng con đường duy nhất để phát triển kinh tế bền vững đối với các nước đang phát triển là tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành mức đầu tư cao cho phát triển cơ sở hạ tầng. Khoảng 9-10% GDP hằng năm đã được đầu tư vào ngành giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh… Việt Nam đã tận dụng rất nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, mạch máu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. So với một số nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
Để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc. Theo đó, từ nay đến 2020, sẽ hoàn thành thi công 654 km/khoảng 1.300 km đường cao tốc Bắc-Nam theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), trong đó Nhà nước tham gia đóng góp khoảng 40% tổng mức đầu tư.
Cùng với đó, Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng và đường sắt xuyên Á; xây dựng hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa; nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, những nhóm giải pháp chính được đưa ra nhằm cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển cùng trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng như tại các nước thành viên GMS, biến khu vực này thành khu vực thịnh vượng và cùng phát triển.
Chia sẻ về nguồn kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã có sáng kiến thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng cũng như các nỗ lực khác nhằm cải thiện tính kết nối ở khu vực sông Mekong.
Với tư cách là đối tác của khu vực Mekong, Nhật Bản đã cung cấp, hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy đầu tư và thương mại. Những nỗ lực này đã được hiện thực hóa thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh điều quan trọng là phải thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện để duy trì các hệ thống này, phát triển các khu vực dọc hành lang kinh tế, tạo ra phát triển bền vững.
Đại sứ tin tưởng, việc tạo ra sự kết nối năng động như vậy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khu vực Mekong. Nhật Bản cảm kết tiếp tục tăng cường hỗ trợ các quốc gia sông Mekong, nỗ lực tạo ra động lực mới để thúc đẩy hợp tác khu vực.