Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển con người Hà Nội ở một tầm vóc mới

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những biến đổi trong văn hoá gia đình thời kỳ hội nhập và sự tác động của internet, mạng xã hội, theo các nhà khoa học, chuyên gia văn hoá, một trong những giải pháp cấp thiết là tăng cường truyền thông chính sách, đổi mới trong công tác tuyên truyền.

Sáng 23/1, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức Hội nghị toạ đàm Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực trạng và giải pháp.

Quang cảnh Hội nghị toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn
Quang cảnh Hội nghị toạ đàm. Ảnh: Lại Tấn

Nhận diện hệ giá trị văn hoá gia đình

Với phương châm kiên trì, bền bỉ, hiệu quả lâu dài, TP Hà Nội đã không ngừng đổi mới, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người. Trong nhiều nhiệm kỳ, TP đều ban hành Chương trình lớn riêng về phát triển văn hóa, con người Thủ đô, trọng tâm nhiệm kỳ này là Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", Chương trình xác định rõ: “Phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới”.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu.

Tại Hội nghị toạ đàm, nhấn mạnh truyền thống thanh lịch trong cuộc sống, ứng xử của người dân Thủ đô,  GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Sống giữa kinh thành với lịch sử lâu đời và với vai trò của trung tâm văn hoá của dân tộc, với quan hệ giao lưu rộng rãi, con người Thăng Long - Hà Nội có lối sống và lối ứng xử đẹp mang tính đặc trưng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đất đế đô, đất Kinh kỳ và cuộc sống thành thị với xu hướng đô thị hoá, thị dân hoá là cơ sở hình thành lối sống, phong cách sống của người Thăng Long - Hà Nội. Từ tiếng nói, nếp sống gia đình, nghệ thuật ẩm thực cho đến cách giao tiếp xã hội đều thể hiện những nét riêng của con người Hà Nội. Tuy nhiên đi sâu vào từng mặt, từng lớp người, từng hoàn cảnh cụ thể thì cuộc sống luôn là bức tranh nhiều màu sắc phản ánh tính đa dạng của xã hội”. 

 

Ban Tổ chức Hội nghị toạ đàm đã nhận được 42 báo cáo tham luận của các nhà khoa học thuộc các cơ quan ở T.Ư và Thành phố Hà Nội cũng như lãnh đạo, quản lý đại diện cho các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Các báo cáo tham luận tập trung vào một số nội dung chính như: Nhận diện giá trị văn hóa gia đình ở Thủ đô Hà Nội; nhận diện chuẩn mực con người Thủ đô thanh lịch, văn minh hiện nay; quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để triển khai, tổ chức thực hiện các hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Thủ đô thanh lịch, văn minh trong đời sống thực tiễn.

Theo các nhà khoa học, hệ giá trị văn hóa Thủ đô là hệ giá trị văn hóa đặc trưng, điển hình cho Hà Nội và người Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại, vừa phản ánh vừa kết tinh những đặc trưng của văn hóa dân tộc.

GS. TS Hoàng Chí Bảo – Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận T.Ư nhận định: “Hà Nội và người Hà Nội biểu hiện không chỉ giá trị truyền thống, ngàn năm văn hiến mà còn mang tầm vóc lịch sử của hiện đại. Đó là Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, là “Thành phố xanh-sạch-đẹp” về môi trường, cảnh quan, là điểm đến bình yên, ổn định, phát triển đủ sức thu hút các bạn bè, đối tác đến tham quan, du lịch, đầu tư”.

Xu thế biến đổi và giải pháp

Theo các nhà khoa học, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, văn hoá gia đình ở Hà Nội hiện nay đang chịu nhiều thách thức. Nối bật là sự gia tăng của những hiện tượng: ly hôn, ly thân, ngoại tình, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử… để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực trong gia đình đã diễn đạt một cách dễ dàng và khá phổ biến. Lối sống buông thả, vị kỷ, đề cao vật chất cũng đang len lỏi vào các gia đình Việt Nam.

Đặc biệt là tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, mặc dù mặt bằng dân trí ngày càng nâng cao. Các giá trị văn hoá gia đình truyền thống đang có biểu hiện phai nhạt, đổ vỡ. Nhiều tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè… đang xâm nhập ngày càng nhiều vào các gia đình.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại Hội nghị.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại Hội nghị.

Trước thực trạng trên, nhấn mạnh sự tác động của mạng xã hội đối với văn hoá gia đình, đồng thời nêu lên một số hiện trạng về biểu hiện lệch chuẩn trong văn hoá nói chung và văn hoá gia đình nói riêng, ở góc độ truyền thông, báo chí, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ: Trên mạng xã hội hiện nay có hiện tượng “ném đá”, tạo ra sự lệch chuẩn, xô lệch về giá trị văn hoá. Trong bối cảnh hiện nay, muốn xây dựng xã hội văn minh, hiện đại hay cụ thể là chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khi mạng xã hội nổ lên một vấn đề, các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh, có một bộ phận có thể bị mạng xã hội dẫn dắt. Trước tình huống đó, cơ quan quản lý cần có sự tĩnh lặng nhất định, không chạy theo, đưa ra các giải pháp giải quyết vội vàng, tạo thành điểm nóng, hiệu ứng trên mạng xã hội”.

Mặt khác, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đề nghị các cơ quan báo chí cần tăng cường truyền thông chính sách trên các cơ quan báo chí; đổi mới trong công tác tuyên truyền, tăng cường tuyến bài, sản phẩm báo chí truyền thống hàm chứa nhiều giá trị văn hoá; cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh quản lý nội dung trên mạng xã hội. “Chúng ta cần gia tăng thông tin tích cực, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; lấy cái đẹp dẹp cái xấu; không để thông tin xấu độc lấn át, ảnh hưởng trực tiếp đến văn hoá” - PGS. TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị toạ đàm, trước những biến đổi trong bối cảnh hội nhập và tác động của internet, các nhà khoa học đề nghị, Sở VH&TT Hà Nội tiến tới xây dựng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình (trong đó cần đưa ra cụ thể những điều nên làm và không nên làm trong từng mối quan hệ trong gia đình) để làm cơ sở khuyến khích, động viên người dân thực hiện nhằm xây dựng Thủ đô văn minh.

Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo việc đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Trong đó, trước mắt Sở GD&ĐT Hà Nội cần phối hợp với trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẩn trương tiến hành việc bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho Cán bộ quản lý ngành Giáo dục Thủ đô, các giáo viên hiện đang giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương Thành phố Hà Nội từ bậc Tiểu học, THCS, THPT.

 

Việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và con người Hà Nội, đồng thời cũng giải quyết yêu cầu thời kỳ phát triển mới của Hà Nội - thành phố sáng tạo đặt ra đó là phát triển con người Hà Nội ở một tầm vóc mới. Việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô lại càng là yêu cầu có tính cấp thiết.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Đào Xuân Dũng