Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển công trình xanh giúp cải thiện môi trường sống

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt thời gian qua, khi chất lượng không khí liên tục vượt các ngưỡng chỉ tiêu, một bộ phận cư dân Hà Nội lại phải đối diện với sự việc nước sạch nhiễm dầu.
Đây là nội dung buổi Tọa đàm Cafe Xanh số 03 với chủ đề “Nước và không khí trong phát triển Công trình Xanh” do Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tập đoàn Capital House phối hợp tổ chức chiều 22/10.
 Công trình Mulberry Lane (Hà Đông, Hà Nội) được Bộ Xây dựng Singapore trao tặng chứng nhận BCA Green Mark cho Tòa nhà thân thiện với môi trường. Ảnh: Khánh Hòa
Theo KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị Xanh Việt Nam, thời gian qua, chất lượng không khí, chất lượng nước ảnh hưởng đến đời sống người dân rất rõ nét. Vì vậy, tạo ra ngôi nhà đô thị là tạo môi trường sống cho xã hội, mà những thành viên kiến tạo không ai khác chính là chủ đầu tư dự án, nhà quản lý, những người chuyên môn làm về tư vấn, kỹ thuật…
Ở góc độ người làm về công nghệ đồng thời đã được tham gia nhiều sự kiện về chất lượng không khí, ông Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu PAM Air cho rằng, ô nhiễm không khí Hà Nội không phải là mới. Chỉ là trước đây, chúng ta mới có số liệu quan trắc từ Đại sứ quán Mỹ, còn thời gian gần đây rộ lên nhiều thông tin vì có thêm nhiều điểm đặt máy quan trắc.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, để đảm bảo chất lượng nước, không khí cần sự chung tay đồng lòng của xã hội, gồm cả DN và người dân. Bởi lẽ, thực tế cũng đã có nhiều luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước, không khí… nhưng lại chưa được thực thi hoặc thực thi chưa nghiêm. Ví như vẫn sử dụng phương tiện không đảm bảo các thông số kỹ thuật về môi trường, xả khói đen gây ô nhiễm. Hay vẫn còn tình trạng xả thải ra hồ, đốt rơm rạ, dùng bếp than tổ ong có các hoạt động gây ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia, trước những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, chủ đề môi trường sống xanh, an toàn cho sức khỏe đang được người dân quan tâm hơn bao giờ hết. Trào lưu phát triển các công trình xanh, theo hướng bền vững không chỉ còn là xu thế tại các nước phát triển trên thế giới.
Tại Việt Nam, không gian sống xanh cũng đang thu hút được sự quan tâm của ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là trong thời điểm nóng của những vấn đề môi trường như hiện nay. Công trình xanh được phát triển nhằm mục tiêu sử dụng năng lượng và vật liệu hiệu quả, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường
. Đồng thời, tập trung sự quan tâm nhiều hơn đến tiện nghi và sức khỏe cho người sử dụng, công trình xanh cũng hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường tới cuộc sống con người.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, muốn có công trình xanh, đô thị xanh thì phải có con người xanh, chủ đầu tư xanh, chuyên gia xanh và đặc biệt là cư dân xanh. Nghĩa là mỗi cư dân phải trở thành những nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn và bảo vệ môi trường sống cho mình.

"Tăng trưởng kinh tế tốt và đúng nhưng chưa phù hợp với yêu cầu của môi trường, các trụ cột giữa môi trường - kinh tế - xã hội chưa bền vững. Vì vậy, phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của DN và cả người dân.

Luật pháp liên quan đến môi trường, công trình xanh đã có tương đối nhưng chúng ta chưa thực hiện quyết liệt. Những DN đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới cho phát triển, còn không thì phải cho dừng lại ngay. Có như vậy thì môi trường sống mới có thể trong sạch." - PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội