Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển lâm nghiệp bền vững thông qua cấp chứng chỉ rừng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản lý rừng bền vững là một trong 5 hoạt động được Tổ chức REDD+ triển khai trên thế giới và tại Việt Nam. Để đạt được điều này, việc cấp và hỗ trợ các chủ rừng trong thực hiện chứng chỉ Quản lý rừng bền vững là những hoạt động trọng tâm của dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” (FCPF -2) trong năm 2018.

Chuyên gia xã hội và cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh phỏng vấn người dân về tác động xã hội khi thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, tháng 7/2018

Vừa qua, dự án FCPF-2 đã tổ chức Đánh giá sơ bộ chứng chỉ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh (Thanh Hóa) với tổng hiện tích 10.292ha; tại Công ty lâm nghiệp Hương Sơn (Hà Tĩnh) với tổng diện tích 19.708ha và đánh giá chính cấp chứng chỉ rừng tại Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) với tổng diện tích 454ha/ 238 hộ thành viên.
Trong năm 2018, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, dự án FCPF-2 đã triển khai 4 lớp tập huấn cho các chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ rừng FSC. Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đã dự thảo các báo cáo đánh giá tác động xã hội - môi trường, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, điều tra rừng và dự thảo phương án quản lý rừng bền vững.
Với nỗ lực của Ban và sự hỗ trợ của dự án, kết quả đánh giá sơ bộ của Công ty tư vấn GFA (Đức) đã phản ánh đúng thực tế. Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cần phải tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tham vấn kết quả báo cáo với các bên liên quan và tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân lâm nghiệp.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh khảo sát trữ lượng rừng trồng Keo tuổi 5 của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh tháng 8/2018
Đối với Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn, dự án đã tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ kiểm tra kết quả khắc phục lỗi sau đánh giá năm 2017, đồng thời khuyến cáo những việc cần bổ sung trong công tác quản lý rừng theo kế hoạch năm, cũng như công tác khắc phục lỗi và những giải pháp ngăn ngừa trong tương lai. Với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, Công ty lâm nghiệp Hương Sơn sẵn sàng đón đoàn đánh giá chứng chỉ GFA đến xem xét, kiểm tra và ghi nhận những khuyến cáo của đoàn, nhằm giúp công tác quản lý rừng bền vững của công ty ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đối với Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim, dự án đã hỗ trợ các hoạt động tập huấn kỹ thuật, quản lý nhóm để nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện, giúp họ có những kiến thức về công tác quản lý nhóm, quản lý rừng và sẵn sàng cho đánh giá chính cấp chứng chỉ rừng FSC trong năm 2018. Đây là mô hình đầu tiên cấp chứng chỉ rừng FSC theo quy mô nhóm hộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nên các nhóm hộ vẫn còn những khó khăn nhất định như: Trình độ nhận thức; diện tích rừng nhỏ lẻ, manh mún; xa khu vực chế biến…
Nhận định được những khó khăn trên, dự án đã có những hỗ trợ trọng tâm cho quá trình thành lập nhóm để cấp chứng chỉ rừng FSC như: Tham quan học tập kinh nghiệm; tập huấn nâng cao nhận thức; kêu gọi khách hàng chế biến gỗ trong khu vực để liên kết lâu dài,... Đến thời điểm này, Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim đã hoàn thành hồ sơ quản lý nhóm, hồ sơ quản lý rừng và sẵn sàng đón đoàn đánh giá của GFA để được đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC.
Đề án thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng giai đoạn 2016 - 2020 (Bộ NN&PTNT) đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500.000ha rừng trên cả nước được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 235.000ha rừng được cấp chứng chỉ.