Đó là vấn đề được nêu ra tại diễn đàn: "Nâng cao chất lượng du lịch làng nghề truyền thống Vạn Phúc" vừa được tổ chức.
Vẫn còn “con sâu bỏ rầu nồi canh”
Nhiều năm nay, Vạn Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Theo ước tính của UBND phường Vạn Phúc, trung bình mỗi ngày, làng lụa đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số dư luận không tốt ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề. Theo ông Đỗ Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, sở dĩ có thông tin trên là do một số nhân viên bán hàng tại làng nghề chưa trung thực với khách. Bên cạnh đó, khách hàng cũng thiếu thông tin về làng nghề nên dẫn tới hiểu lầm. Bởi làng lụa Vạn Phúc hiện nay có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hành từ bình dân đến cao cấp, không phải hàng kém chất lượng.
Cũng với thông tin thất thiệt về việc làng lụa Vạn Phúc bán hàng Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ cơ sở Mão Silk - một trong những cơ sở sản xuất kinh doanh lớn của làng lụa cho biết: Việc sản xuất ra nhiều loại lụa từ bình dân đến cao cấp hay đa dạng các mẫu mã sản phẩm chính là hướng đi giúp làng nghề vượt qua những thời điểm khó khăn để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Ngay như tại cửa hàng của bà Tâm, khách hàng có thể mua được các loại lụa với các mức giá khác nhau nhưng đều là lụa "made in Hà Đông" cả.
Tuy nhiên, tại diễn đàn, bà Lê Thị Kim Thư, đại diện các hộ kinh doanh lụa Vạn Phúc cũng cho biết, trong số các hộ kinh doanh, không phải hộ nào cũng có điều kiện về mặt bằng; nhiều hộ phải đi thuê cửa hàng trong điều kiện giá cả đắt đỏ đã khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn. Để đảm bảo thu nhập, nhiều hộ kinh doanh đã khai thác thêm các sản phẩm từ nơi khác nhưng không nói rõ cho khách hàng biết, dẫn tới có sự hiểu lầm. Bên cạnh đó, các cửa hàng nhiều khi bị hướng dẫn viên du lịch "ép" mức phí hoa hồng quá cao nên buộc phải tăng giá bán sản phẩm.
Cần sự liên kết bền chặt
Trong xu thế phát triển các làng nghề thành điểm du lịch, Vạn Phúc cũng đã có một dự án phát triển làng nghề theo hướng du lịch, trong đó tập trung xây dựng, chỉnh trang và phát triển làng nghề đáp ứng nhu cầu khép kín của du khách. Song, muốn làm được điều đó, việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ hình ảnh là hết sức cần thiết. “Người bán hàng phải trung thực nhằm tạo ấn tượng tốt khi khách đến làng nghề. Có như vậy mới xây dựng được hình ảnh đẹp đối với khách du lịch” - ông Sinh nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Tố Hoa, chuyên viên Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội cho rằng, nếu để xảy ra tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ làm mất uy tín láng nghề. Do đó, bà Hoa gợi ý Vạn Phúc cần thành lập bộ phận quản lý chất lượng làng nghề, kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các hộ sản xuất cần hướng tới sự chuyên môn hóa các khâu từ dệt, nhuộm và liên kết với các làng nghề làm chăn, đệm, may mặc, thêu… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm.
Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc Đỗ Văn Lợi nhìn nhận, con người là yếu tố nòng cốt trong phát triển du lịch làng nghề. Do đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ thợ sản xuất và nhân viên bán hàng. Trong đó, đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng có trình độ ngoại ngữ tốt để giới thiệu với du khách về giá trị, lịch sử làng nghề và có tác phong chuyên nghiệp khi giao tiếp với du khách. Đặc biệt, sử dụng luôn sản phẩm làng nghề làm trang phục để quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, mỗi người dân, hộ sản xuất cũng cần phải có thái độ lịch sự, niềm nở để tạo thiện cảm cho du khách đến với làng nghề.
Làng lụa Vạn Phúc hiện có trên 400 hộ làm nghề, mỗi năm sản xuất ra 2,5 - 3 triệu mét khối lụa. Trong làng hiện có 150 quầy hàng bán lụa nằm trên 3 dãy phố. Năm 2011 sản phẩm lụa Vạn Phúc được phong tặng “Thương hiệu vàng Thăng Long”. |