Ưu tiên giống lúa chất lượng cao
Lúa là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Ứng Hòa. Để khai thác tối ưu thế mạnh này, Ứng Hòa tập trung đưa các giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy theo hướng cánh đồng mẫu lớn từ 20ha trở lên, quy trình sản xuất đồng nhất. Thông qua các chương trình hỗ trợ giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật… diện tích lúa chất lượng của huyện tăng cao theo hàng năm. Vụ Xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 8.385,9ha lúa, năng suất ước đạt 62,1 tạ/ha, sản lượng ước đạt 527,2 tấn. Trong đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 72% diện tích, tập trung vào 3 nhóm lúa nếp, lúa thơm và J02.
Định hướng mở rộng phát triển giống lúa chất lượng cao ở Ứng Hòa là hướng đi đúng và trúng, bởi thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu loại gạo này đang khá triển vọng. Đặc biệt, giá thành sản phẩm cao hơn sẽ tối ưu hóa thu nhập cho người dân trên một diện tích canh tác. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa |
Gia đình bà Trần Thị Hạ, thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang trước đây chủ yếu cấy các giống lúa Khang Dân và Xuân Lâm, tuy nhiên năng suất kém dần do sâu bệnh và chất lượng lúa thấp nên không được giá. 3 năm gần đây, sau khi được huyện tuyên truyền, gia đình bà đã chuyển hẳn sang canh tác giống lúa chất lượng cao J02. Theo bà Hạ, lúa J02 là giống ngắn ngày, cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất trung bình đạt trên 2 tạ/sào. Đặc biệt, giống lúa này cho chất lượng gạo thơm ngon, giá lúa cũng cao hơn lúa thường khoảng 30%.
Tương tự, vụ Xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn Triều Khúc, xã Đội Bình cũng cấy 9 sào lúa J02. Nhờ có máy gặt liên hợp, 9 sào lúa của gia đình bà thu hoạch gọn trong một buổi sáng. Bà Thắm phấn khởi cho biết: “Năm nay, gặt xong là có công ty thu mua ngay tại đầu bờ với giá 5.700 đồng/kg. Tính ra, mỗi sào J02 cho lãi thuần đạt khoảng 900.000 đồng/vụ, cao hơn các giống lúa truyền thống khoảng 200.000 đồng”.
Liên kết bền chặt
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, vai trò của DN, HTX trong chuỗi sản xuất lúa gạo là không thể thiếu được trong bối cảnh hiện nay. Thông qua các chuỗi, nông dân có điều kiện thuận lợi để hiện đại hóa sản xuất gắn với khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, ông Viễn cũng thừa nhận, so với tốc độ mở rộng diện tích lúa hàng hóa rất nhanh, vấn đề công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm và xúc tiến thương mại của huyện vẫn còn chuyển biến khá chậm. Phần lớn lúa chất lượng cao chưa có thương hiệu. Nguyên nhân một phần do các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện còn yếu, chưa đa dạng dịch vụ, trong khi các khâu liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy cho biết: Tham gia vào chuỗi sản xuất lúa hàng hóa, đơn vị cung cấp các dịch vụ từ mạ khay, máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm… Tuy nhiên, tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho DN, khiến đơn vị dè dặt trong việc bao tiêu sản phẩm. “Như vụ Xuân năm 2019, chúng tôi đã ký kết thu mua 4.000 tấn thóc của người dân, tuy nhiên đến mùa chỉ thu mua được 2.000 tấn. Do đó, HTX đã phải bồi thường một khoản lớn do không bảo đảm đúng hợp đồng với đối tác” – bà Thủy nói.