Phát huy thế mạnh
Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè trải dài khắp triền đồi, Chủ nhiệm HTX Nông Lâm Bắc Sơn Đào Thị Quý phấn khởi cho biết, 5 - 7 năm qua, cây chè là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Cũng nhờ thâm canh cây chè mà không ít hộ có thêm “của ăn của để”.
Có được thành quả đó là bởi, những năm gần đây, tận dụng lợi thế địa chất vùng đồi gò, cộng với khí hậu mát mẻ của vùng cao, TP, huyện đã quan tâm, đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển mạnh cây chè, coi đây là hướng giúp người dân Bắc Sơn từng bước thoát nghèo. Diện tích trồng chè liên tục tăng, hiện đã đạt gần 400ha. Đặc biệt, cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng không thua kém nhiều thương hiệu sẵn có trên thị trường.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, những tập quán canh tác cũ dần được thay thế. Người nông dân Bắc Sơn được hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, thâm canh cơ giới hóa, nhất là áp dụng mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP. Nhờ đó, năng suất cây chè tăng từ
50 - 100%. Giá chè bán ra thị trường cũng tăng gần 100%. Hiện, sản lượng chè thu hái trung bình đạt từ 60 - 100kg/sào/lần hái. Giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 390 - 550 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, đời sống người nông dân không ngừng được nâng cao. Có lẽ bởi vậy mà người người, nhà nhà nơi đây không ai bảo ai, đều cố gắng dành một phần diện tích đất cho cây chè.
Còn nhiều trăn trở
Năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được TP công nhận, qua đó, mở lối để sản phẩm chè nơi đây tiếp cận sâu rộng với thị trường. Dù đã có thương hiệu, nhưng theo Chủ nhiệm HTX Nông Lâm Bắc Sơn Đào Thị Quý, khâu bao tiêu sản phẩm vẫn là bài toán khiến người trồng chè nơi đây chưa thực sự an tâm. Thêm nữa, diện tích cây chè dù tương đối lớn, nhưng lại phân tán manh mún, nhỏ lẻ tại các nhà dân nên khó xây dựng mô hình thâm canh chè an toàn theo hướng hàng hóa tập trung. Thực tế, nhiều hộ trồng chè nơi đây vẫn đang tự sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm chè làm ra.
Ông Tạ Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, cùng với sự quan tâm của TP và huyện, Bắc Sơn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây đã giảm từ gần 20% (năm 2010) xuống còn 3,56%. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt xấp xỉ 18,9 triệu đồng/năm. Dù vậy, để Bắc Sơn ngày càng khởi sắc, người dân nơi đây sớm thoát nghèo, rất mong TP, huyện tiếp tục quan tâm, sớm có cơ chế khuyến khích các tổ chức, DN tăng cường đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chè an toàn. Có đầu ra ổn định, người nông dân sẽ yên tâm sản xuất hơn.
Một vườn chè ở Bắc Sơn.
|
Hiện, tổng diện tích trồng chè toàn huyện là 675ha, trong đó, có khoảng 400ha ở xã Bắc Sơn. Định hướng đến năm 2020, huyện sẽ mở rộng diện tích sản xuất chè lên 700 - 720ha. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhằm duy trì và xúc tiến thương mại để nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn |