Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên chợ Việt tại ngoại thành: Người dân và doanh nghiệp cùng có lợi

Bài, ảnh: Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đưa hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân và bình ổn thị trường trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành.

Đưa hàng Tết về nông thôn

Theo kế hoạch, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các DN sẽ tổ chức khoảng 10 phiên chợ Việt tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng. Đồng thời triển khai 200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và một hội chợ hàng Việt tại huyện Ba Vì… Thông qua các hoạt động này, Sở Công Thương Hà Nội và các DN bán lẻ sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân ngoại thành.

Người dân huyện Thạch Thất mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn huyện.

Thực tế cho thấy, cứ vào dịp Tết, nạn hàng lậu, hàng giả lại hoành hành. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương yêu cầu DN tham gia chương trình phiên chợ Việt khi đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu VSATTP, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, chương trình phiên chợ Việt Mậu Tuất 2018 không chỉ thu hút các DN sản xuất, bán lẻ tham gia mà còn có sự góp mặt của nhiều cơ sở sản xuất hàng truyền thống tại địa bàn các huyện. Đặc biệt, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, ngành công thương Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành như Hải Phòng, Bình Thuận, Phan Thiết… qua đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản vùng miền.

Hàng Việt chiếm niềm tin của người tiêu dùng

Qua các phiên chợ Việt được tổ chức trong những năm qua cho thấy, hầu hết các mặt hàng bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý nên ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Xách cả lô nước mắm Phan Thiết mua tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất bà Nguyễn Thị Vinh, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) hồ hởi nói: "Hầu như năm nào tôi cũng đi phiên chợ Việt để mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho những ngày Tết. Hàng hóa tại phiên chợ khá dồi dào, mẫu mã đẹp và trên hết là tôi thấy khá yên tâm về chất lượng". Anh Nguyễn Văn Hưng, người dân thôn Phú Đa (xã Bình Phú) cũng chia sẻ, phiên chợ Việt giúp người dân mua được hàng tốt mà không phải đi xa. Hy vọng, TP tiếp tục duy trì chương trình hàng năm để phục vụ bà con ngoại thành.

Không chỉ người dân hào hứng với phiên chợ hàng Việt phục vụ Tết 2018, các DN tham gia chương trình cũng rất phấn khởi trước sự quan tâm của người dân với sản phẩm của mình. Giám đốc Công ty Hải sản Phan Thiết Nguyễn Quang Chiến cho biết: "Trước khi tham gia phiên chợ Việt, tôi đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý và thói quen mua sắm của người dân để chọn những mặt hàng chủ lực đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân nông thôn. Đặc biệt hoạt động này còn tạo cơ hội cho DN quảng bá sản phẩm đặc sản. Có không ít gia đình chi vài triệu đồng để mua nước mắm Phan Thiết dùng đủ cả năm, điều đó cho thấy phiên chợ Việt đã giúp DN tiêu thụ sản phẩm”.

Có thể thấy, việc tổ chức các phiên chợ Việt và bán hàng lưu động đã giúp bà con nông dân có cơ hội mua hàng Việt giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, đồng thời tạo cơ hội cho DN quảng bá, tiêu thụ hàng hóa. “Hoạt động này là việc làm thiết thực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của TP” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.