Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim Việt có giải nhưng vẫn buồn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khép lại Liên hoan phim (LHP) Hà Nội lần thứ 2, Việt Nam đã giành được 2 giải đặc biệt của Ban giám khảo (BGK) cho phim truyện và phim ngắn, đó là “Thiên mệnh anh hùng” (đạo diễn Victor Vũ) và phim hoạt hình “Bò vàng” (đạo diễn Trần Khánh Chuyên).

Thế nhưng, từ những chuyên gia điện ảnh đến khán giả đều cảm thấy không vui. Dường như, phim Việt đang có bước thụt lùi so với LHP lần thứ nhất.
 
Chất lượng phim chưa cao
 
Có hai con đường để đưa nền điện ảnh Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới đó là: Phát huy bản sắc dân tộc hoặc đổi mới toàn diện. Và, tại LHP quốc tế Hà Nội lần này, dường như những người làm phim đã lựa chọn phương châm đổi mới. Thế nhưng, nếu đổi mới nửa vời, làm phim theo kiểu “Trưởng giả học làm sang” như hiện nay, thì sự cách tân đó sẽ trở thành “ngòi nổ” phá vỡ cả một nền điện ảnh mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.
 
Bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” đạt giải đặc biệt của BGK dành cho thể loại phim truyện. Nhưng thực chất, đây không phải một giải thưởng chính thức mà chỉ sự ưu ái của những người chấm giải dành cho điện ảnh Việt. Diễn viên Như Quỳnh, thành viên BGK, thẳng thắn nhận định: “Thiên mệnh anh hùng” là bộ phim dã sử, thương mại. Về mặt nào đó Victor Vũ chịu ảnh hưởng bởi cách làm phim của Mỹ, tuy nhiên, xét thấy đạo diễn đã dành nhiều tâm huyết và sức lực trong khâu thiết kế mỹ thuật, quay phim và dàn dựng công nên BGK quyết định trao một giải thưởng cho bộ phim để khích lệ những đóng góp của đoàn làm phim”.
 
Phim Việt có giải nhưng vẫn buồn - Ảnh 1
 
Giá trị nghệ thuật và tính nhân văn của Thiên mệnh anh hùng chưa đủ tầm đối với một LHP quốc tế
 
Đồng quan điểm đó, nhà biên kịch Phạm Nhuệ Giang cũng cho rằng: Ban tổ chức LHP có phần dễ dãi trong khâu tuyển lựa phim tham gia chấm giải. Bởi vì “Thiên mệnh anh hùng” dù có những đóng góp nhất định, nhưng vẫn là bộ phim thương mại chiếu vào dịp Tết với mong muốn cao nhất là thu lợi nhuận từ phòng vé. Giá trị nghệ thuật và tính nhân văn của nó chưa đủ tầm đối với một LHP quốc tế, vì thế tôi cho rằng nó nằm ngoài khuôn khổ chấm giải.
 
 “Đam mê” của đạo diễn Phi Tiến Sơn tuy được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sản xuất nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, bộ phim vẫn còn nhiều sạn, nặng về kỹ thuật, hình ảnh nhưng nông về mặt nội dung.
 
Mới đây, trong một buổi giao lưu các đoàn làm phim tham dự LHP, đạo diễn Phi Tiến Sơn có nhấn mạnh đến giải pháp đổi mới nền điện ảnh nước nhà,. Bởi theo ông: Nếu quanh quẩn mãi với những đề tài như thời bao cấp thì sẽ đi vào sự sáo mòn; nhưng bám sát vào công cuộc đổi mới trong mươi năm trở lại đây thì chẳng có gì để nói. Nên, đội ngũ các nhà làm phim cần phải tìm ra một diện mạo mới hoàn toàn cho điện ảnh Việt. Thế nhưng, phương châm làm phim ấy đạo diễn Phi Tiến Sơn chưa thực sự đem lại kết quả tốt tại LHP lần này. 
 
Thiếu tính chân thực
 
Chia sẻ với báo chí sau khi “Thiên mệnh anh hùng” có giải tại LHP, đạo diễn Victor Vũ nói: “Mỗi nền điện ảnh có một nét riêng. Đây là một bộ phim võ thuật đậm chất Việt, và tôi vui vì đã đóng góp được một phần nào đó cho điện ảnh Việt Nam”. Tuy nhiên, xem bộ phim, nhiều khán giả vẫn cảm thấy chưa thật sự hài lòng về “chất Việt” ở trong đó. Từ phục trang và các cảnh quay bay nhảy, đánh đấm mang màu sắc của phim cổ trang Trung Quốc. 
 
Còn phim “Đam mê” lại đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống trong thế giới người mẫu; chuyện thuần phục thú rừng… hoàn toàn xa vời với đời sống của đại đa số người dân Việt.
 
Phim Việt có giải nhưng vẫn buồn - Ảnh 2
  
Bộ phim Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn nông về mặt nội dung
 
Theo diễn viên Như Quỳnh: Thông qua việc lựa chọn 2 bộ phim Việt tham gia LHP lần này, Ban tổ chức muốn mang đến những màu sắc của Việt Nam  khác lạ hơn, mới mẻ hơn và hiện đại hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng, giá trị đích thực nằm ở cái vốn có của mỗi quốc gia, dân tộc. Bản sắc sẽ mang lại sức ảnh hưởng nhiều hơn là chúng ta tô hồng nó ở hình thức bề ngoài. Phim Việt hiện nay rất thiếu tính chân thực. Đó là căn bệnh cố hữu của điện ảnh nước ta trong cả thập kỷ qua. “Giá như chúng ta làm một vài bộ phim về vùng sông nước đồng bằng sông cửu long, vùng lúa nước thì sẽ đậm bản sắc hơn rất nhiều” – bà chia sẻ.
 
Phim truyện xuất sắc nhất tại LHP lần này là “Bị còng tay” của nước Phillipin. Nếu nghiên cứu  kỹ lưỡng thì thấy nó rất gần với Việt Nam từ bối cảnh đường phố đến đời sống nghèo khổ của người dân. Nhưng đạo diễn đã rất tinh tế trong việc hòa trộn giữa tính thẩm mỹ và tính bản sắc để tạo nên một bộ phim hai trong một: vừa có yếu tố nghệ thuật, vừa đậm chất tài liệu chân thực. Điều đó đã làm nên thành công cho bộ phim tại LHP.
 
Nhà biên kịch Phạm Nhuệ Giang chia sẻ: “Khi làm việc với các chuyên gia đánh giá và kiểm định chất lượng phim tại các LHP quốc tế, tôi nhận  thấy họ rất coi trọng tính chân thực, bản sắc của mỗi dân tộc và tính  nhân văn trong phim. Thật khó để những bộ phim nghệ thuật đích thực đến được với đông đảo quần chúng như dòng phim thương mại, nhưng nếu muốn vươn ra thầm khu vực và quốc tế, những người làm phim buộc phải làm được những giá trị kể trên trong phim của mình”.