Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố: Cần có những nghề để người lao động nông thôn thực sự coi là "cần câu cơm"

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Có những cơ chế chính sách đến nay không còn phù hợp thực tiễn và không mang lại hiệu quả đào tạo nghề, Sở LĐTB&XH Hà Nội cần tham mưu đề nghị không tiếp tục thực hiện; đồng thời cần đề xuất chính sách để có những nghề được đào tạo thực sự trở thành “cần câu cơm” cho lao động nông thôn..." - Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Chiều 23/6, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì buổi làm việc của đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP với lãnh đạo Sở LĐTB&XH và các sở, ngành liên quan về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn TP từ năm 2016 đến nay.

 Quang cảnh buổi làm việc tại Sở LĐ-TB&XH Hà Nội

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thanh Nhàn, mục tiêu TP đặt ra giai đoạn 2016-2020 là tổ chức đào tạo nghề cho 106.130 LĐNT, phấn đấu tỷ lệ giải quyết việc làm sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng có năng suất cao hơn. Kết quả từ năm 2016 đến nay, 30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 2.198 lớp/76.203 người (trung bình hằng năm đạt 71,8%), trong đó nghề nông nghiệp chiếm 62,14% và nghề phi nông nghiệp chiếm 37,86%. Số lao động có việc làm sau học nghề là 54.454 người/61.027 người học xong, đạt 89,23%, trong đó 11% người được DN/đơn vị tuyển dụng, 11,6% người được DN/đơn vị bao tiêu sản phẩm, 76,4% người tự tạo việc làm. Một số địa phương đã lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp, bền vững, có khả năng thu hút nhiều lao động tham gia, như tại huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây…

Tuy nhiên, khó khăn là một bộ phận không nhỏ LĐNT chưa hiểu đầy đủ lợi ích, trách nhiệm của người học nghề nên chưa chuyên cần đi học. Đời sống NLĐ khó khăn, là lao động chính trong gia đình nên ảnh hưởng đến việc xác định, theo học nghề. Công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát thực tế, tuyên truyền tư vấn cho NLĐ chọn nghề và tham gia học nghề còn hạn chế, việc đăng ký nghề học của LĐNT còn cảm tính... Đặc biệt, chưa có DN tham gia tích cực trong giải quyết việc làm cho NLĐ sau học nghề; một số DN áp dụng hình thức tự đào tạo cho lao động phổ thông để thực hiện một công đoạn hay một khâu công việc cơ bản để tham gia quá trình sản xuất của DN; số LĐNT sau đào tạo nghề được DN tuyển dụng chưa cao và LĐNT học nghề nông nghiệp chủ yếu làm nghề cũ (tự tạo việc làm).

Do đó, cùng với giải pháp của ngành, lãnh đạo Sở kiến nghị, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” sẽ kết thúc trong năm 2020 nên T.Ư cần tiếp tục ban hành chính sách để hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, có việc làm ổn định. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh độ tuổi tham gia học nghề theo Luật Lao động sửa đổi, nâng mức hỗ trợ tối thiểu cho LĐNT tham gia học nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Với LĐNT có nhu cầu học trình độ cao đẳng, trung cấp, cần có chính sách miễn học phí để thu hút LĐNT tham gia học nghề, tạo nguồn nhân lực có tay nghề.

 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận

Kết luận làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá: Thời gian qua, Sở LĐTB&XH đã tham mưu TP ban hành nhiều kế hoạch, chương trình triển khai, đóng góp tích cực vào công tác đào tạo nghề LĐNT của TP, trong đó hằng năm đã tham mưu TP tiến hành nhiều lượt kiểm tra, đưa công tác này ngày càng vào nền nếp. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 89%; nhiều mô hình đào tạo hiệu quả; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm dần, góp phần tăng trưởng KT-XH, xóa đói giảm nghèo. Dù vậy, việc lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác này, nhất là ở cấp xã chưa sâu sát, ngay từ khâu khảo sát, đánh giá tổng hợp nhu cầu thực tiễn; một số cơ sở thể hiện trách nhiệm chưa cao. Công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ về nghề chưa hiệu quả ở một số địa bàn; việc rà soát đề xuất bổ sung danh mục nghề đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, chưa có nghề thực sự được NLĐ xác định là “cần câu cơm”. Thời gian đào tạo theo chương trình sơ cấp được phê duyệt 3 tháng nhưng thực tế quá trình học có những nghề phi nông nghiệp đòi hỏi chuyên sâu thì như vậy chưa đủ. Chính sách tín dụng học nghề cũng còn nhiều khó khăn, nguồn vốn bỏ ra thấp, NLĐ khó tiếp cận. Cùng đó, một số cơ sở đào tạo nghề chưa nghiêm túc trong thực hiện đào tạo; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đã đạt cao nhưng chủ yếu mới là NLĐ tự tạo việc làm, thu nhập chưa ổn định; việc hướng nghiệp để người dân vào làm tại các DN, KCN chiếm tỷ lệ thấp, chưa đạt mục tiêu đào tạo nghề; một số NLĐ đi học chưa nhận thức rõ lợi ích của học nghề.

Từ đó, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị nghiên cứu lại mô hình đào tạo nghề nông thôn ở một số địa phương, khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, giáo viên chưa được cập nhật kiến thức khi đào tạo nghề mới; tiến tới mạnh dạn đưa việc đào tạo nghề nông thôn vào các cơ sở có những giáo viên chuyên sâu, gắn với giải quyết việc làm cho học viên ngay sau đào tạo. Đáng chú ý, Sở LĐTB&XH cần rà soát tham mưu UBND TP điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề tại TP, phê duyệt đề án sắp xếp trường nghề, chương trình dự án phát triển nghề của TP để trình HĐND TP, nghiên cứu đề xuất chính sách với người học nghề. “Có những cơ chế chính sách đến nay không còn phù hợp thực tiễn và không mang lại hiệu quả đào tạo nghề, Sở cần tham mưu đề nghị không tiếp tục thực hiện; đồng thời cần đề xuất chính sách để có những nghề được đào tạo thực sự trở thành “cần câu cơm” cho LĐNT; có kết nối với DN để cam kết tạo việc làm cho NLĐ sau đào tạo”- Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị Sở LĐTB&XH nghiên cứu đề xuất UBND TP kiến nghị T.Ư thời gian đào tạo nghề nông thôn sát thực tế; phối hợp Ngân hàng CSXH tư vấn NLĐ tiếp cận vốn sau học nghề; cùng Sở Nội vụ có biện pháp gắn trách nhiệm các cơ quan, đơn vị tổ chức đào tạo nghề nông thôn để đánh giá từ khâu khảo sát, tư vấn nghề đến chất lượng trường đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, có biện pháp mạnh với những đơn vị thực hiện không nghiêm túc.