Tại Hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam – Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang báo cáo đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua.
Theo đó, sau hơn 22 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình. Kỳ họp đã thông qua 7 Luật, 9 Nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 Dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 Dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 Dự án luật khác.
Kỳ họp cũng lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tại Hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Kính (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy) cho biết, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc là chủ trương đúng đắn, được người dân mong đợi, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng, người dân địa phương đồng thuận, ủng hộ cao.
Tuy nhiên, cử tri cho hay, trên tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, tại nút giao IC5 có khoảng 3ha đất của người dân nằm trong khu vực nút giao không bị thu hồi nhưng không sản xuất được.
“Vấn đề này đã được kiến nghị lên tỉnh nhưng không phải thẩm quyền của tỉnh. Chúng tôi kiến nghị thu hồi hết 3ha này để sử dụng cho mục đích khác chứ sản xuất nông nghiệp thì không thể được” – cử tri Nguyễn Văn Kính kiến nghị.
Cũng theo cử tri, sau khi hoàn thành, nút giao này có vị trí quan trọng, do vậy kiến nghị cho mở rộng tuyến Quốc lộ 61 từ ngã ba Vĩnh Tường đến thành phố Vị Thanh để kết nối với Quốc lộ 61C, cao tốc và liên hoàn đi các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Cũng liên quan đến thi công cao tốc, cử tri xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy phản ánh, vụ Hè - Thu vừa qua có một số hộ dân bị ảnh hưởng không sản xuất được, chính quyền xã có xuống xem xét lập biên bản nhưng đến nay chưa được hỗ trợ.
Trả lời cử tri, lãnh đạo UBND huyện Vị Thủy cho biết, phần đất của các hộ dân bị ảnh hưởng tại nút giao IC5, huyện đã thực hiện các bước, xác định diện tích và khái toán kinh phí, tuy nhiên đây không thuộc thẩm quyền của địa phương mà của chủ đầu tư nên đã báo cáo đến Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ GTVT.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin đến cử tri những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng cả nước đã đạt những thành tựu đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực.
Ghi nhận những kiến nghị sâu sát, thiết thực của cử tri, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cấp thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang giải quyết xác đáng những vấn đề của cử tri, việc nào thuộc cấp nào thì cấp đó giải quyết, không giải quyết được thì giải thích rõ, thấu tình đạt lý cho cử tri.
“Chính quyền địa phương, đặc biệt cấp huyện chỉ đạo xử lý triệt để các vấn đề, sau hội nghị là xử lý ngay, sâu sát với cử tri. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong…”” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, đồng thời yêu cầu tỉnh tổng hợp những vấn đề vượt thẩm quyền để hợp báo cáo Quốc hội.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng biểu dương 8 thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được qua 20 năm thành lập. Cụ thể, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế Hậu Giang luôn đứng tốp 5, tính đến tháng 11/2023 đứng thứ 2 trên cả nước. Thu ngân sách đạt khá, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,84%, hộ cận nghèo 3,69%.