Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: Chờ đợi khai trương sau lần lỡ hẹn

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ UBND quận Tây Hồ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ khai trương thí điểm vào trung tuần tháng 5 (11, 12 và 13/5). Sau phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn là không gian công cộng thứ 2 của Hà Nội không dành cho xe cơ giới.

Giải quyết bất đồng
Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã được UBND quận Tây Hồ lên ý tưởng xây dựng từ năm 2015 và bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Cuối tháng 8/2017, những tưởng tuyến phố mang tên người nhạc sĩ tài hoa sẽ sớm trở thành không gian đi bộ vào dịp cuối tuần, khi những ki ốt bán hàng bắt đầu được dựng lên, cảnh quan xung quanh cũng được chỉnh sửa. Bãi đỗ xe cơ giới đã được tính đến, 2 quảng trường bên hồ nước dự kiến được trưng dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô năm 2017 được ấn định là dịp khai trương tuyến phố đi bộ này.
 Phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Thế nhưng, những ki ốt cố định được mô phỏng theo hình dáng ngôi nhà cổ của Hà Nội và Hội An trở thành vật cản khiến đề án này chưa thể thực hiện như dự kiến. Người dân sinh sống trên con phố Trịnh Công Sơn đã ra sức phản đối. Bởi vì “các ki ốt cố định tại vỉa hè phố Trịnh Công Sơn gây mất mỹ quan khu vực, ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt cũng như không gian văn hóa vốn có của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng băn khoăn về những hệ lụy có thể xảy ra khi tổ chức triển khai phố đi bộ, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...” – ông Nguyễn Bộ (đại diện dân cư của phố Trịnh Công Sơn) chia sẻ.

Tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn diễn ra vào 19 giờ 30 phút tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Mọi hoạt động liên quan đến không gian đi bộ của tuyến phố do UBND quận Tây Hồ quản lý.

Sau gần 8 tháng điều chỉnh, theo ông Nguyễn Đình Khuyến – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: Công tác chuẩn bị đã hoàn thành 95%. Tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, đơn vị thực hiện dự án đã thay các ki ốt cố định bằng ki ốt di động. Các ki ốt chỉ được lắp dựng vào những ngày cuối tuần và tháo dỡ ngay sau khi kết thúc. Thời gian khai trương chính thức được UBND quận Tây Hồ ấn định vào ngày 11/5.

Thí điểm đến hết năm 2018

Theo kế hoạch ban đầu của đề án, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn có khoảng 50 – 60 gian hàng ẩm thực, sau đó rút xuống còn 30 gian hàng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Khuyến, thời gian đầu khai trương sẽ chỉ có 15 gian hàng được lắp dựng, kinh doanh các mặt hàng ẩm thực đặc trưng của Tây Hồ như xôi Phú Thượng, bánh Tôm Hồ Tây, bún ốc… và các đặc sản nổi tiếng khác của Hà Nội như bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng… “Không gian văn hóa ẩm thực, mang đậm chất Hà Nội là sự khác biệt lớn của tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn với các tuyến phố đi bộ khác” – ông Nguyễn Đình Khuyến khẳng định.

Con đường dài gần một cây số từ ngõ 612 đường Lạc Long Quân đến điểm giao ngã 3 đê Âu Cơ sở hữu cảnh quan hợp lý để trở thành không gian đi bộ. Theo quy hoạch, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ gồm không gian nghệ thuật với sân khấu ngoài trời rộng 2.000m2 gần khu đầm sen biểu diễn nhạc Trịnh, múa rối nước tại hai hồ sen, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như quan họ, dân ca… Hiện nay, UBND quận Tây Hồ phối hợp với trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và một số đơn vị khác lên chương trình cho các chương trình nghệ thuật vào dịp cuối tuần. Ngoài ra, các cá nhân, nhóm nhạc yêu nhạc Trịnh có thể tự do thể hiện nhưng phải đăng nội dung biểu diễn với Phòng VH&TT quận Tây Hồ.

Thời gian thí điểm tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn dự kiến đến hết năm 2018, sau đó sẽ được đánh giá và xem xét mở rộng hay thu hẹp quy mô. Với không gian thơ mộng cùng rặng nhãn ven đường, hồ nước bao quanh, hồ sen hay khu vực được giới trẻ đặt tên là “đường Hàn Quốc” cận kề bên con đường Trịnh Công Sơn khiến nơi đây đang trở thành nơi kỳ vọng không bao lâu không gian đi bộ thứ 2 của Hà Nội sẽ được hình thành, giảm tải cho tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm.