Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa: Giải quyết sớm những vướng mắc trong cấp sổ đỏ

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hà Nội đã có những bước đột phá trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), nhất là công tác cải cách hành chính.

 Phó Giám đốc Sở TN&MT

Nguyễn Hữu Nghĩa

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa, kết quả cấp GCN lần đầu vẫn chưa đạt như mong đợi vì vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến tình trạng cấp đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định. Do vậy, tới đây, Sở sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND TP chính sách tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này.
Được biết, công tác cấp GCN lần đầu đến hết tháng 9/2017 đạt 98%. Vậy, xin ông cho biết những vướng mắc cơ bản đối với số lượng còn tồn đọng hiện tại?

- Hiện nay, trong công tác cấp GCN đối với các trường hợp ngoài các dự án phát triển nhà ở, nguyên nhân tồn đọng chủ yếu do phần lớn các trường hợp còn lại không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp; vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa được giải quyết, trong đó vi phạm chủ yếu dưới các hình thức: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công… không đủ điều kiện cấp GCN theo quy định.

Đối với các trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, nguyên nhân tồn tại là do tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng của chủ đầu tư: Xây không đúng quy hoạch chi tiết hoặc không đúng thiết kế hoặc Giấy phép được cấp; vi phạm pháp luật đất đai như chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đã xây dựng và bán nhà ở; giao đất cho cơ quan, đơn vị xây dựng nhà ở nhưng đã phân chia cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; chưa hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã giải thể hoặc thay đổi… Thậm chí, nhiều trường hợp chủ đầu tư cho người mua nhà ở được chậm trả tiền mua nhà hoặc do người mua nhà đang thế chấp hợp đồng mua bán nhà tại các tổ chức tín dụng nên không đủ giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp GCN.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, những vướng mắc nổi cộm trong việc cấp GCN hiện nay có phần do chính sách?

- Thật ra, những vướng mắc chính chủ yếu hiện nay là do tình trạng cấp đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định; tự ý chia tách, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp; vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, quản lý quy hoạch nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP còn tồn đọng số lượng lớn GCN đất nông nghiệp được cấp, khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, đã hết hạn sử dụng hoặc qua nhiều thời kỳ thực hiện chuyển đổi dồn ghép ruộng đất, thửa đất nên có sự thay đổi lớn về hiện trạng; việc thu hồi đất nông nghiệp chuyển mục đích phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được chỉnh lý, thu hồi, cấp đổi…

Với những khó khăn trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017, về sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, được coi là một bước cởi mở về mặt hành chính cũng như thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Theo đó, một trong những nội dung tại Nghị định được nhiều người dân ủng hộ là cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay trước ngày 1/1/2008 được hợp thức hóa, cấp GCN quyền sử dụng đất thay vì mốc thời gian quy định trước ngày 1/7/2004. Nghị định 01/2017/NĐ-CP cũng quy định rút ngắn từ 1/3 - 1/2 thời gian thực hiện đối với nhiều thủ tục đăng ký biến động đất đai so với trước đây… Rõ ràng, những vướng mắc về chính sách trong việc cấp GCN đã và đang tích cực được tháo gỡ.

Người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Thực tế, có tình trạng một mảnh đất cấp GCN cho 2 chủ sở hữu khác nhau. Tồn tại này được giải quyết thế nào, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Về vấn đề này, tại Khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định: Trường hợp thu hồi GCN đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại Điểm đ Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai được thực hiện như sau:

Trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra có văn bản kết luận GCN đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi GCN đã cấp; trường hợp xem xét, xác định GCN đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra;

Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện GCN đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra cùng cấp thẩm tra; nếu kết luận là GCN đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do; sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo cho người sử dụng đất mà không có đơn khiếu nại thì ra quyết định thu hồi GCN đã cấp;

Trường hợp người sử dụng đất phát hiện GCN đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định; Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý GCN đã thu hồi theo quyết định thu hồi GCN của cơ quan có thẩm quyền; Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Xin cảm ơn ông!