Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội Đỗ Hồng Cường: Muốn có việc làm ngay, phải trải nghiệm thực tế sớm

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào tạo theo yêu cầu của DN là hướng tiếp cận mới của Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội. Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường cho biết, từ năm học thứ nhất, sinh viên ngành Mầm non, Tiểu học đã được xuống DN học thực tế nên 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề.

Ông có thể cho biết, xuất phát từ lý do gì nhà trường đổi mới đào tạo gắn với ứng dụng nghề?
- Từ thực tế nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm phù hợp, kỹ năng nghề lúng túng, chúng tôi muốn thay đổi, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc ngay từ năm thứ nhất. Nếu người học được trải nghiệm trong môi trường lao động thực tế, ra trường có thể đáp ứng được ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, Mầm non là ngành đầu tiên chúng tôi thực hiện đào tạo theo hướng tiếp cận DN từ năm thứ nhất. Đến nay, đào tạo theo hướng tiếp cận DN lan tỏa đến khu vực Tiểu học, khối ngành liên quan đến ứng dụng nghề nghiệp (Nghệ thuật và Giáo dục thể chất) và năm nay là Du lịch.
Ông nói rõ hơn về việc phối hợp với DN trong đào tạo các ngành sư phạm?
- Đối với sư phạm Tiểu học, chúng tôi đặt vấn đề phối hợp với DN để cung cấp sản phẩm theo yêu cầu tuyển dụng. Chúng tôi coi khu vực các trường ngoài công lập là thị trường hết sức quan trọng, vì vậy đào tạo theo yêu cầu của khối trường này bằng việc xây dựng chương trình, môn học. Ngược lại, phía họ cam kết tạo mọi điều kiện về việc làm, quỹ học bổng cho sinh viên. Có trường còn xây dựng một phòng thực hành để sinh viên đến học. ĐH Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt làm theo hướng này để sinh viên ra trường được làm nghề ngay, các DN không mất công đào tạo lại.
Đào tạo gắn với ứng dụng mang lại lợi ích cho người học thế nào so với mô hình truyền thống, thưa ông?
- Khi nhà trường đáp ứng yêu cầu DN, sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay. Tuy nhiên, hiện giờ 3 nhà (nhà trường – DN – người học) chưa gắn kết chặt chẽ và chưa có cơ chế rõ ràng để hoạt động. Có một thực tế, các DN luôn muốn lao động tay nghề tốt, nhưng chỉ tuyển dụng học sinh cấp 3 để không phải trả lương cao. Rõ ràng, chúng ta đang lúng túng về cơ chế chính sách để điều phối 3 nhà hướng về một lợi ích. Tôi nghĩ, trong việc này, rất cần nhà nước có cơ chế để các DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo.
Việc đổi mới đào tạo của trường có gắn liền với tinh thần đổi mới giáo dục, thưa ông?
- Khối Tiểu học chúng tôi yên tâm vì đang hình thành những năng lực hết sức quan trọng cho giáo viên cấp 1, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Nhưng chúng tôi lo lắng đối với khối THCS đào tạo giáo viên tích hợp. Hiện giờ nhà trường đang chờ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chi tiết hơn để có hướng triển khai. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy tất cả các khoa đào tạo sư phạm định hướng tương lai để đáp ứng chương trình phổ thông, thị trường lao động của từng ngành. Đào tạo theo thị trường, từng loại hình DN là xu hướng mà ĐH Thủ đô Hà Nội hướng tới. Và đã đến lúc chúng ta phải đào tạo ra giáo viên làm việc toàn cầu chứ không chỉ trong từng khu vực.
Xin cảm ơn ông!