Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không chủ quan vì bão số 8 yếu đi khi vào bờ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các bộ ngành, địa phương cần triển khai các biện pháp ứng phó cấp bách, không vì khi bão vào gần bờ yếu đi mà chủ quan trong ứng phó…” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nhấn mạnh như trên khi chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 8 cuối giờ chiều 12/10.

Bão số 8 dự kiến đổ bộ Thanh Hóa - Quảng Bình
Thông tin tại cuộc họp ứng phó bão số 8 chiều 12/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện cơn bão vẫn đang di chuyển nhanh với tốc độ từ 25 - 30km/giờ. Hồi 15 giờ chiều nay, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km, cách Nghệ An - Hà Tĩnh 1.180km. 
Dự kiến, cường độ bão số 8 mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó bão đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10. Dự kiến đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10.
Đường đi của bão số 8.
Do ảnh hưởng của bão số 8, từ chiều 13 - 14/10, ở Bắc Bộ và Quảng Trị có mưa từ 100 - 150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa 150 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 15/10, khuvực phía Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn.
Cùng với mưa lớn, từ ngày 13 - 15/10, ở các tỉnh Bắc Bộ, từ Thanh Hóa - Quảng Trị xảy ra một đợt lũ với đỉnh lũ ở thượng lưu lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, có sông trên BĐ2. Riêng sông Thao (tỉnh Yên Bái) và sông Bôi (tỉnh Hòa Bình) đạt mức BĐ2; hạ lưu các sông chính còn dưới mức BĐ1.
Sẵn sàng sơ tán khoảng 25 vạn dân
Trước diễn biến bão số 8, những ngày qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/ 233.335 người biết thông tin về cơn bão để chủ động phòng, chống. Hiện, còn 3 tàu với 29 người (Quảng Ngãi) hoạt động ở Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Các tàu đã nắm được thông tin về bão và dự kiến tránh trú trên các đảo Đá Lồi, Linh Côn.
Chiều nay (12/10), có 7 tỉnh duy trì cấm biển gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Đáng lo ngại, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế hiện có 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: Đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An; đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để bảo đảm an toàn cho người dân trước diễn biến bão số 8, các địa phương từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế (khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng) đã lên kế hoạch sơ tán 65.425 hộ với 247.997 người dân. Đồng thời, lên kế hoạch hỗ trợ khoảng 26.000 người lao động đang di chuyển từ phía Nam ra Bắc có thể bị ảnh hưởng do bão, mưa lũ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo cuộc họp chiều tối ngày 12/10.
Huy động 68.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó bão
Tạo cuộc họp, đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, cho biết lực lượng công an sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm, xăng dầu cho người dân, bố trí lực lượng kiểm soát, phân luồng giao thông ở nơi nguy cơ sạt lở, ngập lụt. 
“Hiện, chúng tôi đã chuẩn bị trên 5.000 phương tiện thủy ứng phó với lụt, trên 1.000 phương tiện ứng phó đường bộ và hơn 1.000 máy phát điện, 40.000 phao cứu sinh. Cùng với đó là hơn 68.000 cán bộ, chiến sĩ công an đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ, phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu” - đại tá Khương cho biết.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, bão số 8 đang có diễn biến rất nhanh. Chính vì vậy, các địa phương cần triển khai các biện pháp ứng phó cấp bách, không vì khi bão vào gần bờ yếu đi mà chủ quan. Trong thời gian ngắn, địa phương cần tiếp tục nắm chắc tình hình tàu thuyền, nhất là ngư dân chưa tránh trú được ở khu vực an toàn. 
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh phương án sơ tán dân là rất quan trọng. Người dân ở trong các khu vực nguy cơ ngập lụt, nhà xuống cấp và sạt lở phải được khảo sát và sơ tán khi nguy hiểm. Với người dân về từ các tỉnh, TP phía Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương đảm bảo khu cách ly kiên cố, nhất là khu vực vệ sinh, ăn uống, bếp núc, an toàn cho người dân.
“Chính phủ cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các địa phương, bố trí, phân công cụ thể lực lượng để đưa người dân về khu tập trung, đảm bảo sau cơn bão này bà con có thể di chuyển tiếp...” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.