Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Thiếu chủ động trước nguy cơ sạt lở đất, hậu quả sẽ rất nặng nề

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó với nguy cơ áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ ngành liên quan và đầu cầu trực tuyến của 21 tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Bình Định.

Huy động 487.000 chiến sĩ, 4 trực thăng ứng trực 
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện khu vực áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng có 204 hồ chứa hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công cần lưu ý. Ngoài ra, còn có 221 vị trí trọng điểm xung yếu đê cấp III đến cấp đặc biệt cần sẵn sàng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ. 
 Đường đi của áp thấp nhiệt đới trong sáng nay
Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đổ bộ đất liền vào chiều 2/8, các địa phương đã chủ động triển khai công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai. Hầu hết trong tổng số 21 tỉnh, TP, vùng chịu ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. 
Để chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới, đại diện Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các lực lượng thuộc các tỉnh. Theo đó, đã huy động 487.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng chục tàu thuyền, đặc biệt là 4 máy bay trực thăng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó
Dù cấp độ gió hiện ghi nhận không quá lớn, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai chỉ ra một số đặc điểm cần chú ý của áp thấp nhiệt đới, có thể khiến nguy cơ thiệt hại lớn cho các địa phương.
Cụ thể, vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới theo dự báo rất rộng. Thời gian đổ bộ dự kiến vào chiều 2/8, trùng với đỉnh triều cường. Hoàn lưu gây mưa trên phổ rộng. Cùng với đó, vùng ảnh hưởng có hoạt động kinh tế trên cả 3 địa hình nên tác động sẽ rất lớn. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần quán triệt kỹ để ứng phó trên tinh thần phù hợp nhất.
Đối với nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, TP rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó phù hợp và sát thực tế nhất. Liên quan đến tình hình tàu thuyền, Bộ trưởng đề nghị Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thuỷ sản, các địa phương cố gắng trong thời gian ngắn nhất để thông báo, hướng dẫn 1.642 tàu thuyền tránh trú vào vùng an toàn. 
Trên tinh thần không chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị mở rộng quy mô thông báo xuống phía Nam. Thứ nữa, các lồng nuôi thuỷ sản phải được rà soát lại. Đặc biệt, cần chú ý các hoạt động du lịch đảo, ven biển… Đối với sản xuất nông nghiệp, 350.000 vụ Hè Thu đã chín nhiều, do đó cần tập trung thu hoạch sớm để phòng ngập úng, mất mùa. 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các địa phương tập trung bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ, thiếu an toàn, bởi “hồ chứa nhỏ nhưng xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm…”. Đối với các hồ chứa thuỷ điện, đề nghị Bộ Công Thương lưu ý, chỉ đạo triển khai bảo đảm an toàn, đặc biệt là các hồ thuỷ điện nhỏ.
Tuyệt đối không được chủ quan
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cấp độ gió của áp thấp nhiệt đới không quá mạnh, nhưng nhiều nguy cơ. Trong đó, đặc biệt là mưa lớn trên diện rộng, có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt tại nhiều khu vực.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp
Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới còn phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương không được phép chủ quan, thay vào đó phải chủ động để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. “Các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương tập trung quyết liệt ứng phó thì sẽ giảm được thiệt hại…” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để ứng phó kịp thời trước diễn biến thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn. Cùng với đó, rà soát khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, bảo vệ các lồng bè và nhất là người lao động. Tuyệt đối không để người lao dộng trên lồng bè khi bão đổ bộ. Tùy theo diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động cấm biển.
Chỉ đạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai triển khai kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực nhà ở không an toàn, nhất là các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình… 
“Chúng ta luôn bị động trước sạt lở đất nên thiệt hại rất nặng nề. Do đó, các địa phương cần tập trung xây dựng phương án sơ tán dân chủ động đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người...” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, tổ chức cảnh báo, canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm tràn, ngập sâu, nước chảy siết đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Các địa phương tập trung kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công. Bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, không để xảy ra sự cố bất ngờ hoặc vỡ đập như tại hồ Đầm Thìn, Phú Thọ vừa qua. 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý các địa phương kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các khu vực hầm lò, khu vực khai thác, bãi xả thải đặc biệt là các khu vực có dân cư. Chủ động đề phòng mưa lũ gây sập hầm hoặc sạt lở đất như đã xảy ra tại Hạ Long - Quảng Ninh, Đại Từ - Thái Nguyên, Văn Bàn - Lào Cai nhưng năm gần đây…