Đẩy mạnh thực hiện hướng nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Từ hôm qua đến hôm nay ĐB nói nhiều về câu chuyện thất nghiệp 200 nghìn người có trình độ đại học. Hôm qua Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nói rất kỹ số người này là số người thất nghiệp không có việc làm phù hợp hoặc không tìm được việc làm, muốn tìm việc làm mới có trình độ đại học, tính ra khoảng trên 4%. Con số này tại các nước trung bình khoảng 7% nên ở chúng ta không có gì phải yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng. Việc một tỷ lệ nhất định dù học tất cả các bậc mà không có việc là bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục.
“Để khắc phục việc này có nhiều việc phải làm. Đầu tiên phải thực hiện việc hướng nghiệp. Bộ trưởng đã nói về đề án của Thủ tướng đã phê duyệt cũng như rất nhiều văn bản”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Tôi xin các ĐB Quốc hội và Nhân dân đồng tình cho hướng đẩy mạnh thực hiện hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: ''Tôi xin các đại biểu Quốc hội và Nhân dân đồng tình cho hướng đẩy mạnh thực hiện hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở''. |
Phó Thủ tướng phân tích: Chúng ta đừng lo như một đại biểu nói rằng học trung học cơ sở xong mà sang học nghề thì sẽ không đủ kiến thức. Bởi vì cả thế giới người ta làm như vậy, học trung học cơ sở xong thì một luồng rẽ ra học nghề, một luồng rẽ ra học tiếp lên trung học phổ thông. Học trung học phổ thông xong là một luồng tiếp tục học nghề, một luồng tiếp tục học lên đại học để theo hướng hàn lâm nghiên cứu, vì học xong trung học cơ sở mà đi học nghề, không có nghĩa là trong quá trình dạy nghề đấy chúng ta không dạy tiếp văn hóa, không dạy tiếp kiến thức, chỉ có điều dạy theo cách của người làm nghề thì chúng ta phải ủng hộ cho phương án này.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Phải nâng cấp, nâng cao chất lượng đại học, việc này chúng ta nói rất nhiều, đặc biệt tôi sẽ báo cáo về câu chuyện ở đây liên quan đến chất lượng đào tạo thì chúng tôi sẽ nói kỹ sau. Nhưng một trong những điều để nâng cao chất lượng đại học, đấy là nhất định phải đẩy mạnh tự chủ đại học thì Bộ trưởng nói nhiều rồi và tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng: Sắp tới mùa thi, công tác phân tích qua việc tuyển sinh những năm vừa rồi phải làm tốt để có định hướng cho các cháu học những ngành nghề nào thì tương lai việc làm tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết: Báo cáo Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Giáo dục đã tiến hành khảo sát, chúng ta bằng cách bắt các trường công bố tất cả các dữ liệu này và sau đó khảo sát thì các trường năm 2017, các trường có điểm vào trên 27 điểm thì tỷ lệ học sinh ra trường sau 12 tháng có việc làm tính từ 2016 trở lại là 96%, nhóm trường từ 24 điểm đến 27 điểm, tỷ lệ này 92%, nhóm trường từ 20 điểm đến 24 điểm là 84% và nhóm trường từ điểm sàn 15,5 điểm đến 20 điểm là 89%.
“Tỷ lệ chung lại tức là các cháu học sinh ra trường trong vòng 12 tháng kể từ năm 2016 đến 2017 khảo sát mà có việc làm xấp xỉ 90%, chỉ có 11,3% không kiếm được việc làm. Đương nhiên, những việc làm này không có nghĩa là tất cả đã phù hợp đúng trình độ đại học, vì khảo sát cũng cho thấy rằng 19% số các cháu ra trường học đại học nhưng làm công việc không xứng đáng là cấp đại học và ở đây có điều đáng lưu ý, có thể lý do này mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa đề cập”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Phó Thủ tướng thẳng thắn báo cáo với nhân dân: Trong số các nhóm ngành đào tạo thì nhóm ngành đào tạo khoa học, giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc cao nhất, 19%. Nhóm thứ hai, chính là nhóm liên quan đến các dịch vụ xã hội, mặc dù chúng ta nói phải quan tâm đến nghề xã hội nhưng xã hội chưa quen tuyển dụng cái này cho nên nhóm các cháu sinh viên học các nhóm về dịch vụ xã hội ra trường tỷ lệ không kiếm được việc làm qua khảo sát cũng là 19%.
Nhóm thứ ba, chính là nhóm về môi trường. Mặc dù chúng ta rất bức xúc về môi trường và các trường đại học bắt đầu đào tạo các ngành liên quan đến môi trường nhưng doanh nghiệp và xã hội cũng chưa mở nhiều ngành này ra cho nên tỷ lệ không kiếm được việc làm là 17%.
Nhóm thứ tư, về pháp luật, vì chúng ta đào tạo quá nhiều pháp luật và tỷ lệ đấy cũng là 17%. Cuối cùng, nhóm về thể thao, văn hóa ra trường không kiếm được việc làm là 16%, đó là qua khảo sát. Tôi cho rằng cơ cấu đào tạo này rất cần và các cháu sinh viên nhất là năm nay thi cũng cần nghiên cứu rất kỹ. Nhóm trường từ 20, 24 điểm thường là các nhóm trường những ngành chung này.
Các chỉ số về nghiên cứu của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều
Về chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng cho biết: Có rất nhiều ý kiến đã phát biểu, đánh giá cao kết quả của chúng ta.
Phó Thủ tướng phân trần: Rõ ràng tôi nhớ chúng ta đã bàn rất nhiều và báo chí cũng đã nói, chúng ta chung là giáo dục phổ thông chúng ta đánh giá một cách tự mình nhận khiêm tốn, tôi đã báo cáo trước Quốc hội, chúng ta tự nhận là chúng ta xếp hạng dưới 50. Nhưng thực ra như PISA và nhiều tổ chức đánh giá, thậm chí mình đứng khoảng 20, 30. Nhưng nếu một ngành nào đó mà đứng thứ dưới 50 đã là rất tốt so với mặt bằng chung, trình độ phát triển về kinh tế ở Việt Nam. Chúng ta chỉ có hai chỉ số đến bây giờ đứng thứ dưới 50 thôi. Một là chỉ số đổi mới, sáng tạo đứng thứ 47 và thứ hai chính là chất lượng giáo dục phổ thông. Tôi nói mạnh dạn là mình nói đứng thứ khoảng 30, 40 nhưng thôi cứ để khiêm tốn nhất là dưới 50, mà như vậy cũng là rất tốt.
Về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng thừa nhận: “Đúng như các ĐB đã nói, chúng ta không xuất sắc thế này. Chúng ta đứng thứ khoảng 80(+-). Nhưng một điều rất đáng mừng là từ ba năm trở lại đây chúng ta đã quyết tâm đẩy mạnh tự chủ và đặt ra các chương trình rất quyết liệt để đổi mới giáo dục đại học. Đặt ra mục tiêu sau 3 năm tức là năm nay chúng ta đặt mục tiêu sẽ có ít nhất một trường nằm trong top 1.000 của thế giới”.
Phó Thủ tướng cho biết: Mấy tiếng đồng hồ nữa người ta sẽ công bố việc này. Chúng tôi rất hy vọng lần công bố này chúng ta sẽ có ít nhất một trường đại học nằm trong top đó. Việc kiên trì mấy năm vừa rồi làm bắt đầu có kết quả. Các chỉ số về nghiên cứu của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Mặc dù so với thế giới chúng ta còn rất kém. Tính ra theo châu Á thì một giáo viên đại học châu Á công bố trung bình trong giai đoạn 2011 - 2015 là 4,5 bài trên các tạp chí Scopus, tức là khoảng 20 nghìn tạp chí trên thế giới thì ở Việt Nam được 0,14 bài, chỉ bằng 1/32 so với trung bình các giảng viên ở các nước châu Á và trường cao nhất được 0,7 bài và điều rất đáng mừng là trường đấy là một trường rất nhỏ. Đấy là trường Tôn Đức Thắng.
Cũng theo Phó Thủ tướng: Công bố 3 năm vừa rồi cho thấy, 10 đơn vị công bố nhiều nhất ở Việt Nam trong 3 năm trên các tạp chí ISI tức là 14 nghìn tạp chí hàng đầu thì Viện Hàn lâm Khoa học, Công nghệ là 2.396 bài, Đại học Tôn Đức Thắng 1.546 bài, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh 1.373 bài, Đại học Quốc gia Hà Nội 1.234 bài, Đại học Bách khoa Hà Nội 1.015 bài và Đại học Duy Tân là 778 bài.
“Đại học Duy Tân là một đại học ngoài công lập, trong khi chúng ta có nhiều trường đại học lớn hơn như các đại biểu biết không đạt được số này và những trường này đều được xếp hạng cao trên thế giới. 3 năm vừa qua, chúng ta bằng tự chủ và bằng đẩy mạnh nghiên cứu thì đã có các kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Tôi cho rằng đây là điểm các nhà khoa học và các nhà chuyên sâu về giáo dục đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.