KTĐT - Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Standard & Poor's 500 cùng tăng 0,7%, lần lượt chốt tại 11.143,69 và 1.184,71, còn chỉ số Nasdaq tăng 0,5%, đạt 2.480,66 điểm.
Thông báo của ngân hàng Bank of America về việc nới lỏng chính sách phong tỏa và thu hồi nhà trên toàn nước Mỹ đẩy thị trường chứng khoán Mỹ đi lên hôm qua.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Standard & Poor's 500 cùng tăng 0,7%, lần lượt chốt tại 11.143,69 và 1.184,71, còn chỉ số Nasdaq tăng 0,5%, đạt 2.480,66 điểm.
Một báo cáo được công bố hôm qua cho thấy tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 0,2% trong tháng 9. Đây là lần suy giảm đầu tiên trong hơn một năm – dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm. Theo một báo cáo khác, niềm tin của các công ty xây nhà ở đã cải thiện trong tháng 10, song vẫn ở mức thấp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner khẳng định Washington sẽ không giảm giá đồng USD để đạt được lợi thế trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Phát biểu của ông được đưa ra trước thềm hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 vào cuối tuần này, nơi tranh cãi về tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm. Bộ trưởng Geithner cũng dự đoán Trung Quốc sẽ để đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng giá.
Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh và DAX của Đức đóng cửa với mức tăng 0,7% và 0,4%, lần lượt chốt ở mức 5.743 và 6.517 điểm. Chỉ số CAC-40 của Pháp tăng 0,2%, đạt 3.835 điểm.
Do sức ép từ Pháp, hôm qua chính phủ Đức đồng ý loại bỏ một số quy định nghiêm ngặt về ngân sách của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Trước cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính EU, Đức ủng hộ một đề xuất của Ủy ban châu Âu, theo đó các nước vi phạm quy định về thâm hụt ngân sách và nợ công của khối sẽ phải chịu các điều kiện trừng phạt gần như tự động. Nhưng Pháp và một số nước phản đối đề xuất này vì không muốn trao quá nhiều quyền lực cho Ủy ban châu Âu.
Cuộc đình công của người lao động trong ngành dầu mỏ tại Pháp nhằm phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 vẫn tiếp tục trong hôm qua. Những người biểu tình ngăn chặn hoạt động lọc dầu và phân phối khiến khoảng 1.500 trạm xăng trên toàn nước Pháp rơi vào tình trạng cạn nhiên liệu.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa với chỉ số Nikkei 225 gần như đi ngang. Giá phần lớn chứng khoán tại Trung Quốc giảm bởi xu hướng bán ra nhằm chốt lời sau 7 ngày tăng điểm liên tiếp. Chỉ số Shanghai Composite mất 0,5% số điểm, còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,2%.
Con số thống kê chính thức của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ tăng mạnh trong tháng 8. Trị giá trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu là 868,4 tỷ USD, tăng 21,7 tỷ USD so với tháng 7.
Trong hội nghị về vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu với các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương trên thế giới, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn cho rằng hiện tượng các dòng vốn chảy quá nhanh về phía châu Á buộc cộng đồng quốc tế phải hợp tác với nhau và hành động khẩn cấp để đảm bảo sự ổn định tài chính. Theo ông Strauss-Kahn, mặc dù các dòng vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng, song nó cũng có thể dẫn tới tình trạng cho vay quá mức, bong bóng tài sản và bất ổn tài chính.
Giá vàng và dầu mỏ diễn biến trái chiều. Trong lúc giá vàng giảm 0,7% xuống mức 1.370,5 USD một ounce thì giá dầu thô tăng thêm 0,01%, đạt 83, 09 USD một thùng.