Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân
Thông tin tới Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, mạng lưới các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thị xã Sơn Tây ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân được dễ dàng, thuận lợi hơn, cung ứng đủ cơ số thuốc thiết yếu, góp phần giảm tải cho y tế công lập. Từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Tính đến hết tháng 5/2024, trên địa bàn thị xã có tổng số 222 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập đang hoạt động, phân bố trên địa bàn 15/15 xã, phường, trong đó có 74 cơ sở hành nghề y, 146 cơ sở hành nghề dược, 2 cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND TP, Sở Y tế, UBND thị xã đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, triển khai tới các cơ quan, đơn vị của thị xã liên quan; các quy định của pháp luật đối với hoạt động hành nghề y, dược tư nhân.
Hàng năm, căn cứ các văn bản của Trung ương, TP, UBND thị xã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề trên địa bàn với tổng số 21 văn bản. Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền, tổ chức kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về hành nghề. Từ năm 2021 đến nay, thị xã đã kiểm tra tổng số 488 lượt cơ sở hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính 35 cơ sở với tổng số tiền 204,1 triệu đồng.
Nhìn chung, trong thời gian qua các cơ sở hành nghề y đều đảm bảo các điều kiện hoạt động và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép; cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy mô và phạm vi đăng ký hành nghề, danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo quy định. Một số cơ sở cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công...
Cơ bản các cơ sở hành nghề dược đều bảo đảm các điều kiện hoạt động và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định; thực hiện niêm yết giá thuốc; biển hiệu phù hợp với phạm vi kinh doanh đã được thẩm định, thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của thuốc... 100% các cơ sở dược đã triển khai hệ thống phần mềm liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia.
Khó kiểm soát các cơ sở hoạt động không phép
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân tại thị xã Sơn Tây cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: số lượng cơ sở hành nghề y, dược ngày một tăng, phần lớn các cơ hoạt động ngoài giờ hành chính, một số cơ sở hoạt động không phép theo những hình thức khác nhau. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cơ quan quản lý cấp huyện số lượng ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến còn hạn chế trong quỹ thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở.
Một số cá nhân hành nghề ngoài giờ tại nhà riêng vào buổi tối, không đăng ký cấp phép hoặc một số cá nhân hoạt động hành nghề dưới dạng phục vụ tại nhà người bệnh (tiêm truyền dịch, khám bệnh, cấp thuốc...) hình thức này thường không có địa điểm cố định, không có biển hiệu quảng cáo... nên khó kiểm soát, gây khó khăn trong công tác kiểm tra. Cùng đó, ý thức của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập chưa cao, mang tính đối phó khi có đoàn kiểm tra tới làm việc.
Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phần lớn do đoàn kiểm tra thị xã thực hiện. Việc kiểm tra tại cấp xã, phường chủ yếu dừng lại ở việc hướng dẫn, nhắc nhở chưa phát huy rõ rệt vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hành nghề y, dược ngoài công lập có lúc, có nơi chưa thường xuyên, sâu rộng.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị thị xã Sơn Tây làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; làm rõ thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, mô hình bác sĩ gia đình, cấp cứu ngoại viện… Đồng thời, chỉ rõ hơn về thực tế triển khai việc phân cấp, ủy quyền có kịp thời và bảo đảm công tác quản lý Nhà nước; quản lý hoạt động quảng cáo của các cơ sở hành nghề thẩm mĩ...
Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc quản lý Nhà nước về y, dược tư nhân nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm - nhất là trong điều kiện một số luật mới được ban hành như Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược đang được Quốc hội cho ý kiến sửa đổi… Vì vậy, thị xã cần quan tâm tuyên truyền luật sâu rộng để người dân nắm được.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, mục tiêu của công tác quản lý Nhà nước về y, dược tư nhân là đặt sức khoẻ người dân lên cao nhất, do đó phải bám sát vào mục tiêu này để thực hiện quản lý nhà nước cho hiệu quả. Đề nghị Sở Y tế nâng cao chất lượng tham mưu cho TP, cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp để quản lý tốt lĩnh vực này. Sở Y tế phải đưa ra nguyên tắc, điều kiện đối với cơ sở đủ điều kiện cấp phép hành nghề y, dược tư nhân, có hướng dẫn cụ thể để cấp huyện có căn cứ thực hiện.
Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các ngành, đặc biệt là ngành công an tham gia tích cực trong quá trình kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cấp để kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát huy được hiệu quả của công tác kiểm tra; đồng thời phân cấp kiểm tra rõ ràng để tránh chồng chéo. Trong kiểm tra phải có quy trình, quy chế, đặc biệt là cơ chế xử phạt rõ ràng để răn đe, tránh tái phạm.
Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị thị xã Sơn Tây tập trung tuyên truyền cho các cơ sở y, dược tư nhân, người dân về quy định của pháp luật, công khai trên website của các cơ quan Nhà nước về các cơ sở đủ điều kiện hành nghề y, dược tư nhân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, được cấp phép; đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát lĩnh vực này, nhằm bảo đảm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật.