Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng cháy hơn chữa cháy

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngót nghét chưa đến 10 ngày, mà từ Bắc chí Nam liên tục xảy ra hàng loạt vụ cháy diễn biến phức tạp. Kinh hoàng nhất vẫn là trận hỏa hoạn tại chung cư Carina (TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người thiệt mạng và vụ cháy rụi chợ Quang (Hà Nội) chiều 31/3. Chỉ sau một đêm, “bà hỏa” đã lấy đi của nhiều hộ dân tất cả: Tài sản, gia đình và động lực sống.

 Hỏa hoạn tại chung cư Carina (TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người thiệt mạng
Dù nỗi đau cháy nổ còn nóng hổi, song không ít chung cư cả cũ lẫn mới vẫn chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Để tránh được những cơn thịnh nộ của “bà hỏa”, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, không chỉ có sự vào cuộc của lực lượng chức năng mà cần phải bắt đầu từ sự chủ động ý thức của mỗi người dân.
Nếu như trước đây, các buổi tập huấn phòng cháy ở phần lớn các khu chung cư đều bất thành, vì gia chủ phớt lờ thì nay “gió đã đảo chiều”. Nỗi sợ hãi kéo dài trên diện rộng "đẩy” ý thức của người dân tăng lên rõ rệt. Bằng chứng là các chủ hộ đã tự trang bị các dụng cụ như mặt nạ phòng độc, bình cứu hỏa mini, chăn chống cháy, dây thoát hiểm, thang dây…
Đồng thời, tham gia nhiệt tình vào các buổi diễn tập PCCC để nắm bắt kiến thức, kỹ năng ứng phó chứ không nhờ người giúp việc tới điểm mặt qua loa như trước. Sau hơn một tuần xảy ra thảm họa cháy ở chung cư Carina Plaza, hàng trăm hộ dân tại đây đã cùng lực lượng PCCC và Ban quản lý chung cư tập huấn chữa cháy và thoát hiểm. Trong khi đó, con số này trước kia chỉ dao động khoảng dăm chục hộ dân có mặt.

Cùng chung nỗ lực triệt tiêu “giặc lửa”, nhiều tòa chung cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng liên tục phối hợp tổ chức diễn tập, phổ biến kỹ năng cứu hộ, cứu nạn tới người dân. Chủ đầu tư, ban quản lý tăng cường kiểm tra các dụng cụ PCCC, mua mới, sửa chữa nếu cũ, hỏng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để công tác này thiết thực hơn việc chỉ đơn thuần trấn an, dập tắt tâm lý sợ hãi nhất thời cho cư dân đang sống trong các chung cư. Câu trả lời nằm ở chỗ nên cho dân “sống” trong tình huống giả định chung cư bị cháy, để hướng dẫn họ sử dụng các dụng cụ phòng chữa cháy như thế nào, chống ngạt ra sao, chạy xuống cách nào… thay vì khung lý thuyết cứng nhắc, rập khuôn.

Ngoài khu chung cư, các chợ thương mại, trường học trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nguy cơ cháy, nổ cao nếu không có biện pháp phòng ngừa về cả phương tiện và trang bị kiến thức. Mới đây nhất, chính quyền hai TP lớn này đã đồng loạt ban hành Công văn 868-CV/TU về “Tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội” và chỉ thị số 04 "Về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" cho thấy nỗ lực nâng cao hiệu quả tuyên truyền an toàn PCCC kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có sự cố xảy ra sát với tình hình thực tế nhất của cấp quản lý.

Mất mát tinh thần trong vụ cháy là rất lớn, ngọn lửa bất an cũng đang len lỏi cháy từng ngày, từng giờ trong tâm lý của mỗi người dân đang sống trong các chung cư tại các đô thị. Thế nên, ngoài việc nâng cao ý thức phòng cháy từ phía người dân, chủ đầu tư thông qua tuyên truyền, tập huấn, thì các cơ quan chức năng cần thiết siết chặt quản lý việc tuân thủ pháp luật về đảm bảo PCCC trong các công trình xây dựng của chủ đầu tư.. để. không còn nỗi lo “bà hỏa”.