Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chính phủ đã có đề xuất với Quốc hội trợ cấp hưu trí xã hội cho những người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu và các loại trợ cấp.

Cụ thể, tại Điều 20 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau:

- Đủ 75 tuổi trở lên;

- Không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;

- Không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ đề xuất với Quốc hội trợ cấp hưu trí xã hội cho những người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu và các loại trợ cấp. Ảnh minh họa.
Chính phủ đề xuất với Quốc hội trợ cấp hưu trí xã hội cho những người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu và các loại trợ cấp. Ảnh minh họa.

Trường hợp công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đồng thời đảm bảo quy định (không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Trường hợp đối tượng đang có mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn so với mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

Khi góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức trợ cấp hưu trí xã hội lên bằng với chuẩn mức sống tối thiểu hoặc bằng mức chuẩn nghèo. Về đề nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo: Trợ cấp hưu trí xã hội được kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi (khoản 2 Điều 17 của Luật Người cao tuổi). Do vậy, mức hỗ trợ phải vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước lại phải đảm bảo hài hòa với các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng – hưởng. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, mức trợ cấp này vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo Quốc gia.

Hiện nay, ngân sách nhà nước chưa có đủ nguồn lực để quy định mức hỗ trợ này theo mức chuẩn nghèo hoặc mức sống tối thiểu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được giữ quy định về mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).