Phòng, chống ma túy tại Thanh Trì: Đưa quy định mới vào cuộc sống

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nội dung quy định mới trong Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cai nghiện ma túy (CNMT) ở huyện Thanh Trì cũng như quản lý sau cai, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Huyện Thanh Trì tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Ảnh: Trần Oanh
Huyện Thanh Trì tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Ảnh: Trần Oanh

Tăng cường giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy

Quốc hội khóa XIV thông qua Luật PCMT năm 2021, có hiệu lực ngày 1/1/2022. Luật PCMT năm 2021 quy định về CNMT đảm bảo đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và phù hợp với thực tiễn. Văn bản luật này quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện để giúp công an xã, phường kịp thời đưa đi xác định tình trạng nghiện; từ đó nhằm sớm phát hiện người nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 529 người nghiện ma túy trong đó số người nghiện có mặt tại địa phương là 392 đối tượng, số đang ở cơ sở cai nghiện bắt buộc 33 đối tượng. Thực hiện Luật PCMT năm 2021 và triển khai Kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai nghiện của TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phổ biến Luật PCMT năm 2021 được thực hiện thường xuyên trên hệ thống Đài truyền thanh của huyện, các xã, thị trấn và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện.

Để đảm bảo trong quá trình tổ chức thực hiện thiết lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý người nghiện ma túy đảm bảo đúng quy định của pháp luật theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về những nội dung này. Đồng thời, huyện tập huấn nghiệp vụ lập hồ sơ CNMT cho các thành viên trong Ban chỉ đạo 138 huyện, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn từ huyện đến cơ sở.

Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thanh Trì Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau hội nghị tập huấn, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cai nghiện và quản lý sau CNMT để người dân nhận thức đúng về chính sách, tổ chức thực hiện cai nghiện, quản lý sau CNMT theo Luật PCMT năm 2021. Chủ tịch UBND xã, trưởng công an các xã, thị trấn chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ số người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cho công tác cai nghiện, quản lý sau CNMT.

Các phòng, ban, ngành liên quan chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND huyện những nội dung liên quan đến việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghiện tự nguyện tham gia CNMT đảm bảo đúng quy định của Luật PCMT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Luật mới sẽ đảm bảo an ninh trên địa bàn

Trực tiếp tham dự hội nghị tuyên truyền Luật PCMT năm 2021 do UBND huyện Thanh Trì tổ chức, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nghiêm Thị Phương Chi chia sẻ: Tam Hiệp là xã ven đô, chỉ có 2% lực lượng lao động làm thuần túy nông nghiệp còn lại 98% là phi nông nghiệp. Công tác CNMT luôn được xã quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời.

Luật PCMT trước đây quy định, để đưa được một người sử dụng ma túy đi cai nghiện bắt buộc thì hồ sơ phải có 36 bút lục. Nhưng Luật PCMT năm 2021 giảm xuống còn 6 loại giấy tờ. Điều này đồng nghĩa với giảm thiểu khối lượng công việc cho cán bộ cấp cơ sở trong công tác quản lý người nghiện. Luật cũng rút ngắn thời gian xác định tình trạng nghiện để sớm đưa người sử dụng ma túy đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện, đảm bảo được tình hình an ninh trên địa bàn.

Ngay sau hội nghị tuyên truyền Luật PCMT năm 2021, UBND xã Tam Hiệp lập kế hoạch để thực hiện chương trình tập huấn Luật mới theo hình thức trực tiếp để mọi người còn điều gì băn khoăn có thể trao đổi luôn. Ngoài tập huấn, UBND xã tuyên truyền Luật PCMT năm 2022 trong các hội nghị của xã, thôn và duy trì phổ biến đến trưởng ngõ, thôn, xóm trong các buổi giao ban an ninh, để tăng cường sự hiểu biết và vào cuộc của Nhân dân, góp phần quản lý người nghiện cũng như đảm bảo an ninh trật tự.

Những người sau cai nghiện còn được tham gia vào Câu lạc bộ B93 để được chia sẻ, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tìm việc, tuyền truyền phòng chống tái nghiện… Nhờ thực hiện các giải pháp CNMT và quản lý sau cai, xã Tam Hiệp từ chỗ có 49 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, hiện chỉ còn 3 đối tượng đang CNMT bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, 6 đối tượng thuộc diện quản lý sau cai, một ít người đi uống Methadone, số còn lại hòa nhập cộng đồng.

Để công tác CNMT tự nguyện và quản lý sau cai đạt kết quả tốt, huyện Thanh Trì kiến nghị TP quan tâm chỉ đạo Sở Y tế thông tin danh mục các cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ để quận, huyện, thị xã làm căn cứ triển khai. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ về cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, bệnh lý khác... để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy và các gia đình lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp.

 

Với những điểm mới tại Luật PCMT năm 2021, nếu các đơn vị làm tốt công tác quản lý người nghiện ma túy tự nguyện, người sau cai nghiện ma túy theo đúng quy định thì công tác CNMT sẽ đạt và vượt kế hoạch TP, huyện giao.

Phó trưởng Phòng LĐTB&XH Thanh Trì Hoàng Văn Huệ