Vào dịp một năm ngày bùng nổ cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine vừa qua, Mỹ cùng với EU và các đồng minh khác đã không chỉ khẳng định sẽ tiếp tục hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá và theo mọi cách để giúp Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường mà còn đều tỏ ra rất lạc quan, tin tưởng rằng Nga chắc chắn sẽ bại trong cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng gần như chỉ ngay sau đấy thôi, phe này lại thấy có những biểu hiện mới khiến phải quan ngại sâu sắc và phải cấp tốc hành động ngay để phòng ngừa hệ lụy.
Bản chất mối quan ngại bất ngờ trở nên sâu sắc hơn trước rất nhiều này là khả năng Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự phục vụ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Các biểu hiện dồn dập trong khoảng thời gian rất ngắn. Trước tiên là những phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị an ninh Munich năm nay (ở Đức). Ở đó, ông Vương Nghị diễn giải quan điểm của Trung Quốc về thời cuộc, về những gì đang diễn ra ở Ukraine, về mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khối Phương Tây.
Ông Vương Nghị không đề cập gì đến mối quan hệ hợp tác "không giới hạn" giữa Trung Quốc và Nga nhưng ai cũng có thể thấy được qua đó Trung Quốc không đứng về phía Mỹ và đồng minh trong chính sách và hành động đối với Nga. Rồi ông Vương Nghị đi Nga, hội kiến cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Putin cho biết chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Nga.
Mấy ngày sau, Trung Quốc đưa ra văn bản "Giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine" với 12 điểm nội dung trình bày quan điểm tổng thể của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine. Nga hoan nghênh trong khi Mỹ và EU cho rằng quan điểm của Trung Quốc chỉ có lợi cho Nga.
Động thái ngoại giao trung gian hoà giải này của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm một năm ngày bùng nổ cuộc chiến ở Ukraine, sau cuộc khẩu chiến ác liệt giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Putin về thủ phạm gây ra cuộc chiến, về trách nhiệm đối với cuộc chiến và sau khi cả hai người này hạ quyết tâm chiến thắng chứ không chịu thua ở Ukraine.
Có thể thấy được qua đó là Trung Quốc bắt đầu gây dựng và thể hiện vai trò chính trị thế giới ở Ukraine.
Ngay sau đấy, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thăm Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ông Lukashenko tuyên bố hoàn toàn ủng hộ "Giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine" của Trung Quốc.
Ở vào thời không có cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine thì chuyến thăm Trung Quốc của ông Lukashenko chỉ đơn thuần là chuyện quan hệ song phương giữa Belarus và Nga. Nhưng vì cuộc chiến ở Ukraine mà chuyến thăm Trung Quốc của ông Lukashenko lại được bên ngoài để ý đến một cách đặc biệt. Lý do ở chỗ cả Belarus lẫn Trung Quốc đều là những đối tác chiến lược đặc biệt quan trọng, thậm chí còn như là đồng minh không chính thức của Nga trong cuộc đương đầu với Mỹ, EU và đồng minh của phe này.
Ác mộng đối với phe này là Trung Quốc và Belarus phối hợp hành động trợ giúp Nga. Điều phe ấy đặc biệt quan ngại là Trung Quốc cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự cho Nga thông qua Belarus.
Mỹ và EU bị ám ảnh như thế nào bởi ác mộng này thể hiện rất rõ ở những ứng phó vội vã của họ nhằm ngăn cản Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự thông qua cung cấp vũ khí cho Nga.
Mỹ, Đức, NATO và một vài nước khác nữa trong phe không ngừng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về việc cung cấp vũ khí cho Nga. Họ vừa tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận Trung Quốc - như ở hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên nhóm G20 ở Ấn Độ và ở việc tổng thống Pháp tới đây sẽ công du Trung Quốc - và thuyết phục Trung Quốc không hùa theo họ thì cũng không đỡ lưng cho Nga lại vừa ráo riết thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trừng phạt Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.
Trung Quốc càng tăng cường vai trò và ảnh hưởng, khả năng tác động trực tiếp vào diễn biến và kết cục của cuộc chiến ở Ucraine thì ác mộng đối với Mỹ, EU, NATO và đồng minh càng thêm nặng nề.