Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phong trào khuyến học “Trợ sức” cho học sinh khó khăn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay, các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được triển khai, nhân rộng với các mô hình: Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học… Hoạt động này đã mang lại cơ hội được đi học cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

700 tỷ đồng để khuyến học

Nói về công tác khuyến học, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong bày tỏ: "Khuyến học năm 2012 có thể coi là một vụ mùa bội thu với số hội viên tăng gần 1 triệu người, số chi hội và Ban Khuyến học tăng thêm hơn 30%, số gia đình hiếu học cũng tăng hơn 1 triệu.

Đặc biệt, các hội đã vận động được gần 700 tỷ đồng từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các cá nhân cho phong trào khuyến học...". Không thể phủ nhận, trong "vụ mùa bội thu" của khuyến học này, có sự đóng góp đáng kể về số lượng hội viên của Hội Khuyến học Hà Nội.
 
Phong trào khuyến học “Trợ sức” cho học sinh khó khăn - Ảnh 1
 
Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu Chắp cánh ước mơ, vượt sông hồ tìm chữ, lần 2 năm 2012.   Ảnh : Nguyễn Ngọc
 
Hiện, Thủ đô có tới 8.788 cơ sở Hội với hơn 540.000 hội viên ở khắp các xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện. Hội Khuyến học Hà Nội đã xây dựng hoàn chỉnh các mô hình và quy trình xây dựng, công nhận gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH)…

Ông Nguyễn Đình Tích, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết, toàn TP đã có gần 20 vạn GĐHH, gần 2.000 DHHH, Quỹ Khuyến học lên tới hơn 60 tỷ đồng.

Thêm nhiều gia đình, dòng họ hiếu học

Với quan điểm "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", nhiều địa phương, nhiều gia đình, dòng họ đã có những cách làm sáng tạo để gìn giữ, vun đắp và phát huy truyền thống hiếu học.

Điển hình là cách làm của dòng họ Nguyễn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chi Hội trưởng Chi hội Khuyến học dòng họ Nguyễn cho biết, chi Hội khuyến học dòng họ được thành lập từ 14/12/2003.

Từ đó đến nay, đã khen thưởng 338 lượt học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dòng họ hiện có 14 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, 165 cử nhân. "Tôi cho rằng, đây là hoạt động rất ý nghĩa, là sự động viên con, cháu vươn lên trong học tập. Những hoạt động khuyến học, khuyến tài cần nhân rộng hơn nữa để giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta" - ông Dũng chia sẻ.

Trong phong trào khuyến học ở Hà Nội, còn phải kể đến quận Long Biên và huyện Mê Linh với phong trào Mâm cỗ khuyến học, vận động các đôi trai gái mới kết hôn ủng hộ số tiền tương đương một mâm cỗ góp cho quỹ khuyến học. Ở xã Mai Đình (Sóc Sơn) có phong trào Tiếng loa khuyến học. Riêng ở huyện Mê Linh, xã Thạch Đà là một trong những cộng đồng khuyến học tiêu biểu.

Cả 4 thôn trong xã đều có Chi hội Khuyến học và xây dựng DHHH. Gia đình bà Hoàng Thanh Mai (Dịch Vọng, Cầu Giấy) đã trực tiếp giúp đỡ hơn 20 cháu trong dòng họ học tập thành đạt.

Hiện nay, gia đình bà đang trợ cấp một số suất học bổng cho các cháu  trong cụm dân cư có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi… Đây chỉ là những GĐHH, DHHH tiêu biểu cho hàng chục vạn gia đình, dòng họ hiếu học của Thủ đô.

Mỗi gia đình, dòng họ có điều kiện kinh tế, hoàn cảnh riêng, nhưng có thể thấy nét chung nhất là sự quan tâm, nỗ lực bằng những việc làm, hành động cụ thể vì sự tiến bộ và thành đạt của con cái.

 
Quỹ khuyến học của T.Ư Hội và của các Hội địa phương đã phát huy tác dụng tốt và có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng các mô hình học tập. Sự phát triển của Quỹ Khuyến học và các sáng kiến khuyến học khác đã bước đầu thực hiện được mục tiêu tạo điều kiện cho các cháu học sinh, thanh thiếu niên nghèo cũng như các cháu có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội đi học, mang lại sự công bằng trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí cho cộng đồng.
 
 
Ông Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam