Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phóng vệ tinh đầu tiên do Việt Nam sản xuất lên quỹ đạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vào 9 giờ 6 ngày hôm nay (21/7), tức 11 giờ 6 giờ Nhật Bản, Vệ tinh F-1 do Phòng Nghiên cứu không gian Fspace thuộc ĐH FPT (Tập đoàn FPT) nghiên cứu chế tạo được đưa lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản.

Theo kế hoạch, 6 ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo.

Chuyến bay của F-1 ngoài mục đích thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, còn là bước tiến để triển khai các ứng dụng mới trong không gian. Với F-1, Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ, tự thiết kế, chế tạo, sản xuất được vệ tinh với điều kiện, kỹ sư ở trong nước.

Ông Vũ Trọng Thư - Trưởng phòng Nghiên cứu không gian Fspace, Viện nghiên cứu ĐH FPT chia sẻ, việc phóng vệ tinh là một mốc quan trọng, là kết quả nỗ lực của các thành viên Fspace trong 4 năm qua. Tuy nhiên, dự án vệ tinh F-1 chỉ thật sự được coi là thành công khi F-1 được thả ra ngoài không gian trong tháng 9/2012 và thu phát được tín hiệu với trung tâm điều khiển tại trạm mặt đất.

Trong 10 năm trở lại đây, xu hướng nghiên cứu chế tạo những vệ tinh cỡ nhỏ (dưới 50kg) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ưu điểm của vệ tinh cỡ nhỏ là thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và càng phát huy năng lực khi sử dụng cả một chùm vệ tinh.

Đại diện truyền thông của Tập đoàn FPT cho hay, khi được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/7, F-1 mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người tham gia chương trình "Gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F-1". Đây là việc làm mang ý nghĩa biểu tượng với thông điệp "Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể nếu như có quyết tâm!".

Vệ tinh nhỏ F-1 của Việt nam có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh do FSpace nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.