Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Quốc- trung tâm kinh tế, tài chính mới lọt "mắt xanh" nhà đầu tư

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Không đơn thuần là một thiên đường nghỉ dưỡng, Phú Quốc sẽ trở thành một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng…tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới" dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Reatimes và VIRES phối hợp cùng Meyland tổ chức, sáng 11/8.

Trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho cho biết, trong tương lai gần, TP đảo không chỉ và không thể mãi chỉ là một “điểm đến” mà phải trở thành một thành phố đảo đáng sống, một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới. Nhận định trên xuất phát từ tầm nhìn quy hoạch, chiến lược phát triển và vị thế của Phú Quốc – một tọa độ hấp dẫn không chỉ của châu Á mà đang đứng trước cơ hội trở thành nơi sống và tận hưởng hàng đầu thế giới.

Nhìn từ quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, TP Phú Quốc đang có cơ hội trở thành điểm sáng phát triển trong tư duy chiến lược Quốc gia. Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc đến năm 2040 sẽ góp phần xây dựng Phú Quốc sớm trở thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; một khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược, việc thu hút nguồn vốn lớn để phát triển đô thị là tất yếu để tạo nên sự phát triển đa dạng và bền vững cho Phú Quốc. Khi xác lập 4 trụ cột phát triển gồm: Công nghiệp giải trí - Du lịch nghỉ dưỡng - Dịch vụ tài chính ngân hàng - Kinh tế biển, Phú Quốc đã có giai đoạn dài thu hút đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp giải trí - du lịch nghỉ dưỡng với các dự án tỷ đô tại Bắc Đảo, Nam Đảo và khu vực Bãi Trường.

Nhưng tiền đề cho 2 trụ cột còn lại: Dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển thì mới chỉ ở giai đoạn đầu, với một số dự án đô thị đang được triển khai xây dựng.

Bên cạnh sự hiện diện của những tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, sự tiên phong đầu tư vào hạ tầng đô thị của Phú Quốc của những tập đoàn kinh tế như Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành – Meyland với đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc – là một lời khẳng định sứ mệnh đặt nền móng cho việc phát triển mở rộng không gian đô thị tại thành phố đảo xinh đẹp này.

Xu hướng đầu tư mới

Các chuyên gia cũng cho rằng, đi cùng với cơ hội phát triển là những thách thức song hành, nhất là khi quỹ đất cho sự phát triển đô thị Phú Quốc ngày càng khan hiếm. Còn nhiều vấn đề phải giải quyết để Phú Quốc hiện thực hóa được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực và thế giới. Cụ thể, Thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước đang thiếu hụt những mô hình phát triển mới, bền vững, tích hợp đa chức năng về cả y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…

Để phát triển xứng tầm, hơn lúc nào hết, Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm bất động sản tương xứng, đặc biệt là các khu đô thị cao cấp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp cư dân mới, để hoàn thiện bức tranh đô thị mới của Phú Quốc. Đó vừa là cơ hội, đồng thời cũng chính là thách thức đối với Phú Quốc. Nhưng bối cảnh đó cũng chính là dư địa cho các nhà đầu tư tiên phong biết nắm bắt cơ hội đầu tư vào thị trường này.

Đưa ra nhận định về sự dịch chuyển của thị trường bất động sản, ông Bùi Văn Doanh cho rằng, sau giai đoạn đầu với sự phát triển nhanh chóng của bất động sản du lịch đủ đảm bảo cơ sở lưu trú cho du lịch phát triển ngay cả trong giai đoạn ngắn trước mắt, xu hướng thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ là sự phát triển song song của hai loại hình bất động sản du lịch và bất động sản nhà ở đô thị. Tiếp diễn ngay sau đó sẽ là sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản nhà ở đô thị để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động đến làm việc tại Phú Quốc gia tăng mạnh mẽ, và một bộ phận cư dân (chủ yếu là giới trung lưu và thượng lưu, cả trong nước và quốc tế) đến định cư để thụ hưởng cuộc sống ở thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe này. Đó là sự dịch chuyển tất yếu và cần thiết của thị trường bất động sản trong các giai đoạn phát triển của một đô thị du lịch - kinh tế - tài chính mới.