Bên cạnh đó, các công trình này còn nằm án ngữ thửa đất 2.240m2 của Hạt 5 QL1A Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 (Công ty 236).
Buông lỏng quản lý
Ngày 27/10/1994, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 493-QĐ/UB về việc giao 2.240m2 mặt hồ nước xã Đại Xuyên và xã Phúc Tiến cho Công ty 236 xây dựng trụ sở, kho và bãi để vật tư, xe phục vụ thi công QL1A; giao Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND 2 xã tổ chức đo đạc diện tích được giao tại thực địa theo trích lục bản đồ giải thửa, tỷ lệ 1/1.000. Còn Công ty 236 phải nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ theo quy định.
Công trình vi phạm nằm trên đất hành lang giao thông quốc lộ 1A (cũ) địa phận xã Đại Xuyên. Ảnh: Công Tâm |
Ngày 5/11/1994, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức hội nghị để giao đất cho Công ty 236 và xác định lệ phí đất đơn vị phải nộp là 224 triệu đồng. Theo quyết định, Công ty đã nộp tiền đầy đủ, đồng thời tiến hành thực hiện san lấp mặt bằng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại vị trí đất của Công ty 236 trước và sau khi nhận bàn giao đã có 7 công trình nhà tạm vi phạm rộng từ 30 - 70m2 của các hộ xây dựng làm điểm kinh doanh án ngữ thửa đất 2.240m2. Mặc dù ngày 25/11/1994, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp cùng 2 xã giải tỏa các công trình vi phạm, nhưng do thiếu quyết liệt nên việc giải tỏa không thành.
Nhằm giải quyết dứt điểm vi phạm, đồng thời bàn giao mặt bằng đường dẫn vào khu đất để Công ty 236 có vị trí hoạt động, không để đất hoang hóa gây lãng phí, ngày 13/6/2009, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 5779/UBND-TNMT giao UBND huyện Phú Xuyên kiểm tra, giải quyết dứt điểm việc một số hộ dân cố tình lấn chiếm diện tích đất đã giao cho Công ty 236. Tiếp đó, ngày 2/7/2009, Thành ủy Hà Nội có Văn bản số 474-CV/VPTU giao UBND huyện Phú Xuyên giải quyết theo thẩm quyền về việc cưỡng chế các hộ dân vi phạm trong việc sử dụng đất đai tại xã Đại Xuyên.
Xử lý vi phạm trong tháng 5
Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên Nguyễn Văn Hoằng thừa nhận: “Do địa phương buông lỏng quản lý nên mới để các hộ xây nhà tạm trên đất hành lang ATGT, đất công trình thủy lợi, án ngữ diện tích đất đã giao cho Công ty 236. Để khắc phục hậu quả, năm 2015, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động và đã tháo dỡ được một công trình. Nhưng, từ đó đến nay còn 6 công trình vi phạm ngang nhiên tồn tại…”.
Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến Lê Văn Thuấn thì cho biết: “Một phần lỗi do địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 6 trường hợp có công trình vi phạm trên đất xã Đại Xuyên không chấp hành tự tháo dỡ. Xác định rõ vấn đề, từ đầu năm 2017 đến nay, UBND xã đã quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, thậm chí cùng các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại và đưa ra giải pháp Công ty 236 sẽ hỗ trợ tiền, máy móc tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, chưa đi đến thống nhất”.
Lý giải về việc chậm trễ xử lý dứt điểm vi phạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Bảo cho rằng, do các trường hợp vi phạm là công dân xã Phúc Tiến, còn công trình lại nằm trên đất xã Đại Xuyên, đây là nguyên nhân khó khăn trong việc xử lý. “Cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã có báo cáo xin ý kiến liên Sở, gồm: Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Thanh tra TP và Công an TP kiểm tra lại hồ sơ cho chặt chẽ nhằm đảm bảo tính pháp lý. Theo kế hoạch, nếu các hộ không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế trong tháng 5 này” - ông Bảo khẳng định.