Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã qua thư điện tử trong thời gian tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Angel Gurria, cho rằng ưu tiên chính sách hàng đầu trong năm 2014 phải là đưa sự phục hồi vào con đường bền vững và đảm bảo rằng tất cả các nước đều tham gia và đóng góp vào quá trình đó.
(Nguồn: Bloomberg News)
|
Ông Gurria cho rằng cuộc khủng hoảng vừa qua đã để lại bốn tác động nặng nề là tăng trưởng thấp và không đồng đều, thất nghiệp cao dai dẳng, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và lòng tin xuống thấp kỷ lục. Ông nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao ở nhiều nước, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng rất đáng chú ý là bốn trụ cột của tăng trưởng kinh tế toàn cầu là đầu tư, thương mại, tín dụng và sự năng động từ các nền kinh tế mới nổi đều đang vận hành với một nửa tốc lực.
Tổng Thư ký OECD kêu gọi các nước có những hành động vì sự phục hồi bền vững và bỏ khủng hoảng lại phía sau. Ông Gurria cho rằng Quốc hội Mỹ cần đạt được một thỏa thuận lâu dài về vấn đề trần nợ và gọi đây là mối đe dọa treo lơ lửng đối với kinh tế toàn cầu bởi nó làm tổn hại tới lòng tin kinh doanh và làm sụt giảm đầu tư.
Với châu Âu, ông nói các thị trường tài chính cần trở lại trạng thái hoạt động bình thường, để tín dụng tiếp tục được bơm ra, đầu tư được thúc đẩy, và điều này đòi hỏi phải cân đối lại các bản quyết toán của ngân hàng và tiến tới thành lập một liên minh ngân hàng đầy đủ.
Về Nhật Bản, lưu ý đến việc mũi tên cải cách trong chính sách kinh tế ba mũi tên được gọi là Abenomics vẫn chưa được bắn ra, ông Gurria cho rằng nước này phải thực hiện kế hoạch cải cách nông nghiệp như đã được công bố, tạo thuận lợi cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do khu vực, giải quyết vấn đề của thị trường lao động và đẩy nhanh những sửa đổi đối với các quy định.
Với Trung Quốc, ông nhấn mạnh việc nhanh chóng tiến hành gói các cải cách mới được công bố sẽ đảm bảo được tăng trưởng trong tương lai, tránh để tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh hơn. Ông khẳng định điều đó sẽ không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà còn là điều mà nhiều nước khác trông đợi bởi tăng trưởng nhanh hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh trên toàn thế giới.