KTĐT - Theo số liệu thống kê của ADP, khu vực dịch vụ đã thuê thêm 138.000 nhân công trong tháng 4. Số nhân công xin được việc làm mới trong khu vực các ngành sản xuất hàng hóa chỉ khiêm tốn ở con số 41.000 người trong đó số người làm việc trực tiếp tại các nhà máy tăng 25.000 người.
Trong tháng tư, nước Mỹ đã có thêm khoảng 179.000 việc làm. Trong đó khu vực dịch vụ dẫn đầu với 138.000 việc làm mới. Các công ty quy mô vừa và nhỏ có xu hướng phát triển nhân lực hơn các công ty quy mô lớn.
Hãng tư nhân chuyên phân tích thị trường lao động của Mỹ, ADP Employer Services vừa công bố báo cáo mới cho thấy thị trường lao động Mỹ đã có những khởi sắc mới trong tháng tư vừa qua.
Theo đó, trong tháng đầu tiên của quý II năm 2011, toàn nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 179.000 việc làm mới so với mức tăng 207.000 việc làm của tháng 3.2011. Trước đó, các chuyên gia đã ước tính con số việc làm tăng mới của tháng 4 sẽ dao động trong khoảng 164.000 đến 240.000 (theo kết quả khảo sát của Bloomberg).
Theo số liệu thống kê của ADP, khu vực dịch vụ đã thuê thêm 138.000 nhân công trong tháng 4. Số nhân công xin được việc làm mới trong khu vực các ngành sản xuất hàng hóa chỉ khiêm tốn ở con số 41.000 người trong đó số người làm việc trực tiếp tại các nhà máy tăng 25.000 người.
So sánh với báo cáo về chỉ số ISM (do Viện Quản lý nguồn cung Mỹ công bố) tháng 4 đối với khu vực kinh doanh dịch vụ của Mỹ cho thấy khu vực này tuy đang phát triển với tốc độ chậm nhất trong vòng 8 tháng qua nhưng lại tạo thêm mới được khá nhiều việc làm.
Các công ty quy mô vừa và nhỏ có xu hướng mở rộng nhân công sản xuất hơn các công ty lớn. Cụ thể, ADP thống kê các công ty có quy mô trên 499 nhân lực đã tạo mới thêm 11.000 việc làm cho thị trường. Trong khi đó, các công ty có từ 50 đến 499 nhân lực và các công ty quy mô nhỏ hơn nữa cùng nhau tạo mới thêm tới 168.000 việc làm.
Theo nhận định của các chuyên gia, với mức tăng ước tính này của ADP, thị trường lao động Mỹ có thể vẫn chưa đủ sức để tạo nên động lực tăng trưởng cho nền kinh tế số một thế giới. Trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã bất ngờ bị sụt giảm do hiện tượng tăng giá thực phẩm và nhiên liệu, xuống mức trung bình năm là 1,8%.
Steven Ricchiuto, chuyên gia kinh tế hàng đầu của công ty chứng khoán Mizuho (New York) phát biểu: “Bước tiến này sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đủ lực để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn nước Mỹ”. Mức tăng của thị trường lao động thấp hơn mức kỳ vọng chính là nguyên nhân khiến các chuyên gia kinh tế chưa thể lạc quan vào thời điểm này.
Một báo cáo khác được công bố cùng ngày cho thấy trong tháng 4, số người Mỹ bị thất nghiệp mới cũng giảm hơn so với số liệu cùng kỳ năm 2010, một dấu hiệu cho thấy sự ổn định của thị trường lao động Mỹ.
Liên tiếp kể từ tháng 10.2010, thị trường lao động Mỹ đều đặn cho thấy những dấu hiệu cải thiện, tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Ben S. Bernanke vẫn kỳ vọng sẽ thấy thị trường này phát triển mạnh hơn nữa để có thể thúc đẩy toàn nền kinh tế Mỹ đi lên.
Các chuyên gia phân tích dự đoán, nếu tính cả những việc làm mới trong cả khu vực các cơ quan công quyền thì trong tháng 4, toàn nước Mỹ đã có tổng số 185.000 việc làm mới.
Số liệu của ADP được thống kê trên cơ sở dữ liệu từ 340.000 công ty, doanh nghiệp toàn nước Mỹ, với trên 21 triệu người lao động.