Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Qua khó khăn... mới hiểu tận lòng nhau

Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 là một năm nhiều thách thức. Với Việt Nam đó là một thử thách kép: Đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý trí và bản chất nhân văn, chúng ta đã vượt qua, trở thành hình mẫu của thế giới.

Vượt qua bằng tinh thần chiến đấu cao nhất
Trở lại thời điểm trước Tết Canh Tý 2020, tin tức về một đợt dịch virus lạ ở Vũ Hán, gây chết người lan đến Việt Nam, một tâm lý lo lắng bao trùm xã hội. Việt Nam ở sát cạnh Trung Quốc, có quan hệ văn hóa, kinh tế rộng rãi, có sự giao lưu, trao đổi trực tiếp về nhân lực trên mọi mặt, lại là một đất nước mà cơ sở hạ tầng y tế và an sinh chưa phải là mạnh… Nếu dịch bệnh tràn sang, đó sẽ là một mối tai họa khó lường. Nỗi lo ngày càng tăng lên khi những thông tin dịch chính thức xuất hiện trong nước. Rồi đêm 30 Tết âm lịch (21/1/2020), một cơn mưa rào kỳ lạ đổ xuống Hà Nội như giữa mùa hè. Mâm cúng phải chuyển vào nhà. Một mối lo ngại mơ hồ cho tất cả mọi người.
 Tiếp nhận người trở về từ vùng dịch tại khu cách ly tập trung trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Rất nhanh sau đó, những “lo ngại mơ hồ” đã thực sự trở thành mối lo thực sự khi dịch bệnh bắt đầu lây lan trong nước. Trung tâm phòng chống dịch bệnh khẩn cấp ứng phó dịch Covid-19 được kích hoạt. Cả nước bước vào giai đoạn chống dịch cao điểm. Đầu tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định công bố dịch ở Việt Nam và khởi động tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Chính phủ Việt Nam đã nhận định tính chất nghiêm trọng của tình thế và đặt cả nước vào một trạng thái quyết liệt: Tình thế của cuộc chiến chống đại dịch trên toàn bộ quốc gia. Thủ tướng đã ra một chỉ lệnh đúng đắn: Chịu tổn thất về tăng trưởng kinh tế để ưu tiên cứu lấy mạng sống của người dân. Chủ trương đúng đắn chung là: Nếu chống được dịch bệnh thì được cả con người và kinh tế, nếu không chống được dịch bệnh thì sẽ mất tất cả.

Cả nước dường như đang trở lại một trạng thái thời chiến với tinh thần sẵn sàng hành động cao nhất. Toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội - văn hóa - truyền thông vào cuộc một cách có kế hoạch cao nhất.

Trước Tết Canh Tý một tháng, gia đình tôi có kế hoạch đón tiếp một gia đình bạn người Đức qua thăm và du lịch Việt Nam. Kế hoạch tưởng như đổ vỡ. Khi dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng hơn, họ tưởng tượng về một Việt Nam sẽ lâm nguy, sẽ suy sụp toàn xã hội. Bằng quyết tâm, ngày 2/2/2020 (tức mùng 9 Tết) họ vẫn sang nhưng đi quá cảnh bằng đường Singapore. Mười ngày ở Hà Nội, họ chứng kiến cả xã hội đang vận động từ bình thường sang bất thường. Ấn tượng nhất là khẩu trang xuất hiện khắp nơi. Chính điều đó, sau này, khi dịch bùng phát ở Đức, họ lại chính là những người đi ngược thói quen xã hội, tuyên truyền tích cực cho việc đeo khẩu trang, cách ly xã hội và truy vết nguồn bệnh. Họ yêu cầu chúng tôi trao đổi thường xuyên về kinh nghiệm Việt Nam.

Những tháng đầu năm 2020, liên tiếp các ổ dịch xuất hiện. Tình thế luôn luôn trong tình trạng báo động, tình trạng trực chiến. Trong ngôn ngữ Việt Nam, một chữ “toang” bình dị chưa bao giờ được nhắc nhiều đến thế trên phương tiện thông tin. Nhưng chúng ta đã lần lượt vượt qua bằng tinh thần chiến đấu cao nhất. Bài học rút ra đó là sự chỉ đạo và kế hoạch sát thực, kịp thời của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền. Đặc biệt, đó là tinh thần yêu nước của người Việt, sự vào cuộc không quản ngại khó khăn của các cơ quan chức năng, các lực lượng từ quân đội, y tế, công an… Tuy nhiên, rộng rãi nhất là sự tin cậy, sự đồng thuận cao của toàn thể cộng đồng Nhân dân với sự chỉ đạo của Chính phủ. Ở đây, ta có thể gặp lại một thế trận “chiến tranh Nhân dân” và tính hiệu quả của nó.

Đặc biệt, hơn nữa là tinh thần cộng đồng, tình đoàn kết dân tộc, là lẽ sống tương thân tương ái, một người vì mọi người. Cái vốn liếng đạo đức cao quý của dân tộc Việt Nam được bùng lên khi vận nước gặp gian truân. Không kỳ thị người bị bệnh, sẵn sàng giúp đỡ mọi mặt cho những người kém may mắn, không một ai bị bỏ lại phía sau. Từng đồng bạc chắt chiu của người dân, từng sáng kiến tương trợ người nghèo được đề xuất: Bát gạo chia sẻ, ATM gạo, cứu trợ cho vùng bị dịch bệnh… hàng loạt hành động chung tay, chung lòng giúp nhau vượt qua cơn hoạn nạn.

Biểu trưng của tinh thần đoàn kết

Ở thời điểm này nhìn lại, thế giới ngạc nhiên vì sự quả cảm đương đầu trước nguy cơ của Việt Nam. Họ nói đến một tinh thần cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể mà Việt Nam là biểu trưng. Bài học Việt Nam được thế giới phương Tây coi là phương pháp hiệu quả. Việt Nam trở thành bài học đối chiếu giữa tính đồng thuận tập thể và tính tự do cá nhân trong thử thách cam go.

Chưa hết dịch bệnh, năm 2020 cũng là năm Việt Nam chịu thiên tai khủng khiếp, cả nước có 576 trận thiên tai, trong đó có 264 trận dông lốc, mưa đá thất thường, 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 90 trận động đất. Khúc ruột miền Trung bị tàn phá tan hoang. Trong đó nhói lòng là các vụ mất tích như sụt lở thủy điện Rào Trăng 3, Hướng Hóa (Quảng Trị), Nam Trà My (Quảng Nam). Tính mạng của nhiều sĩ quan và chiến sĩ Quân đội Nhân dân, người dân đã vĩnh viễn nằm xuống đất này trong đại nạn. Hàng loạt địa bàn của các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An chìm trong biển nước.

Trời thử lòng người, tai họa kép thử thách toàn dân tộc. Một lần nữa, tấm lòng nhân văn của người dân Việt Nam lại tỏa sáng. Từng đoàn cứu trợ ngày đêm đổ về miền Trung thân yêu mặc cho dông tố bão lũ. Phương châm bốn tại chỗ đúng đắn đã phát huy hiệu quả của nó. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đây là cuộc thử thách một thiết chế xã hội vì dân và do dân, một bộ máy vận hành hiệu quả trong hoàn cảnh đặc biệt, một nền văn hóa tạo nên những con người giàu lòng vị tha, sẵn sàng mình vì mọi người, vì sự tồn vong của Tổ quốc mà sẻ áo nhường cơm, đói no cùng chịu.

Phẩm giá Việt Nam đã liên kết mọi tầng lớp Nhân dân cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn… Một Việt Nam với tinh thần bất khuất trước thử thách cam go đã rực sáng hơn bao giờ hết. Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới. Nguy cơ còn phía trước, qua một năm chống chọi kiên cường, người Việt Nam không chủ quan nhưng vẫn tự tin để đối đầu với thử thách. Nhân phẩm Việt Nam với tinh thần đồng thuận, với chủ nghĩa nhân văn thực tiễn sẽ là bài học, là tấm gương trong thế giới hiện đại.