Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Bắc Từ Liêm: Nhiều tồn tại, vướng mắc trong quản lý nhà chung cư

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng chung cư thương mại, chung cư tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội, chiều nay (23/3), đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Bắc Từ Liêm và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Chính quyền kêu khó
Theo UBND quận Bắc Từ Liêm, trên địa bàn có 104 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, với trên 15.000 căn hộ, trong đó 7 tòa nhà tái định cư (TĐC), 76 tòa thương mại và 21 tòa chung cư tự quản. Công tác này đang gặp khá nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là trong việc thành lập, hoạt động của Ban quản trị (BQT) các tòa chung cư. Đến nay mới có 38 chung cư đã thành lập BQT, ngoài 21 nhà chung cư tự quản (không thành lập BQT) thì vẫn còn 45 nhà chung cư chưa thành lập BQT, trong đó: 6 nhà đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu (hội nghị chưa thành công do tỷ lệ cư dân tham dự không đủ điều kiện quy định), 39 nhà chung cư chưa tổ chức hội nghị này.
Ông Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc.
Nguyên nhân của việc chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, được Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm Đỗ Anh Tuấn lý giải, trước hết là do nhiều tòa chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ trước ngày 1/1/2006, trong hợp đồng mua bán nhà chưa quy định rõ phí bảo trì 2% và chưa phân định rõ phần sở hữu chung-riêng giữa người dân và chủ đầu tư, nên người dân không muốn thành lập BQT vì tâm lý ngại phải đóng phí dịch vụ tăng thêm và đóng tiền bảo trì theo quy định. Cũng theo ông Tuấn, hàng năm UBND quận đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các chủ đầu tư, BQT trong công tác quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn, từ đó tuyên truyền các quy định pháp luật và đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu BQT, giải quyết tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư và cư dân.

Đánh giá việc phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư, đại diện UBND quận cho rằng, riêng Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (được UBND TP giao quản lý 7 tòa chung cư TĐC trên địa bàn quận) có lúc phối hợp chưa tốt, còn để Nhân dân có ý kiến, đơn thư nhiều lần. Trong đó, nổi cộm nhất là việc sửa chữa thang máy và công khai sử dụng quỹ bảo trì chung cư G9 phường Xuân Tảo, cư dân có đơn thư, khiếu kiện phức tạp và kéo dài. Về phía chủ đầu tư, cũng còn một số đơn vị thực hiện không đủ trách nhiệm theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, như: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu BQT, chậm bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung hoặc bàn giao không đầy đủ, không phân định diện tích sở hữu chung-riêng theo quy định…

Khó khăn nhất hiện nay là một số tòa chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ trước ngày 1/1/2006, trong hợp đồng mua bán nhà chưa quy định rõ phí bảo trì 2% và chưa phân định rõ phần sở hữu chung-riêng giữa người dân và chủ đầu tư. Do vậy, đã có sự tranh chấp phức tạp giữa chủ đầu tư và BQT, đơn thư phản ánh nhiều lần tới các cơ quan T.Ư, TP song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm (như chung cư CT2 Xuân Đỉnh, CT1 Xuân Đỉnh). Bên cạnh đó, một số tòa chung cư đã được chủ đầu tư hoàn thành, bàn giao cho cư dân vào ở nhưng chưa được nghiệm thu về công tác PCCC (N02-T1 Xuân Tảo, N03-T1 Xuân Tảo, T6-08 Cổ Nhuế 1, CT2A, CT2B phường Cổ Nhuế 1); một số khu đô thị có nhiều chung cư như Goldmark City, Khu Đoàn ngoại giao vừa xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến nhiều nội dung chưa được giải quyết dứt điểm, như giá dịch vụ, bàn giao phòng SHCĐ, bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung, bảo vệ, vệ sinh môi trường...

Với những khó khăn này, lãnh đạo UBND quận đề nghị Sở Xây dựng chủ trì giải quyết tranh chấp phát sinh kéo dài giữa chủ đầu tư và cư dân tòa nhà CT2 Xuân Đỉnh, Goldmark City, đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội sửa chữa dứt điểm thang máy chung cư G9 Xuân Tảo, công khai việc sử dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung để cư dân đồng thuận.

Đặc biệt quan tâm phòng cháy, chữa cháy

Tại buổi giám sát, ghi nhận cố gắng của Bắc Từ Liêm trong công tác quản lý sử dụng nhà chung cư, với đặc thù quận được thành lập chưa lâu, nhiều ý kiến trong đoàn cũng nhận định, hạn chế nổi bật tại quận là vẫn còn 60% số tòa đưa vào sử dụng rồi mà vẫn chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư dẫn đến chưa bầu được BQT; rất ít nhà bàn giao được quỹ bảo trì 2%, nhiều tòa đã được chủ đầu tư bàn giao cho cư dân nhưng chưa có nghiệm thu PCCC... Tình trạng này rất đáng báo động, cho thấy chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cả chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, Trung tá Đỗ Minh Tuấn - Phó Phòng Cảnh sát PCCC số 3 cho biết, nhiều hội nghị tuyên truyền về PCCC cho các tòa chung cư được Phòng tổ chức có rất ít người dân tham dự, chủ yếu chỉ một vài đảng viên. Để đảm bảo công tác PCCC, Trung tá Đỗ Minh Tuấn kiến nghị: Tại các nhà TĐC cần tránh thay đổi công năng sử dụng, nhất là tại tầng 1, 2; UBND các phường cần phối hợp tốt với BQT tòa nhà để cơ quan PCCC làm tốt hơn công tác tuyên truyền; các tòa nhà thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị PCCC, đặt ra thức hành các tình huống cứu nạn cứu hộ; các tòa nhà dành lối đi thỏa đáng cho các phương tiện PCCC…

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đề nghị tới đây, UBND quận cần phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện tốt hơn việc thanh, kiểm tra những chủ đầu tư không thực hiện tốt quy định pháp luật trong quản lý sử dụng chung cư; các chủ đầu tư xem lại trách nhiệm thực hiện quy định đầu tư xây dựng chung cư trên địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương trong thành lập BQT, cùng chính quyền tích cực tổ chức đối thoại với người dân, nhất là tại khu Goldmark City (phường Phú Diễn). Lãnh đạo UBND phường cũng cần đề cao trách nhiệm, đặc biệt những địa bàn có tranh chấp khiếu kiện, để phối hợp với chủ đầu tư, đề xuất quận phương án tháo gỡ. Ngoài ra, đề nghị các tòa còn lại sớm hoàn thành nghiệm thu hệ thống PCCC.