Quận Cầu Giấy: Người dân kiến nghị chính sách giá đất, bồi thường tái định cư

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 20/3, HĐND – UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của Nhân dân trong thời gian qua.

Hơn 240 ý kiến đóng góp của người dân

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy Hoàng Trung Kiên cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ quận và UBND các phường phối hợp, vào cuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phổ biến các nội dung của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được Ủy ban MTTQ quận Cầu Giấy và UBND các phường tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, bằng hình thức tổ chức hội nghị để lấy ý kiến trực tiếp và thông qua tiếp nhận bằng văn bản góp ý kiến (bằng bản giấy, ứng dụng công nghệ thông tin).

Nội dung lấy ý kiến Nhân dân tập trung vào một số vấn đề như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế chính sách, tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Đến nay, theo kết quả tổng hợp báo cáo, các đơn vị đã tiếp nhận được 247 ý kiến đóng góp. Các ý kiến đóng góp chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau: Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư (78 ý kiến); cơ chế chính sách, tài chính, giá đất (46 ý kiến); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (33 ý kiến); hộ gia đình sử dụng đất (37 ý kiến)…

Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Mạnh Hùng tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Mạnh Hùng tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Có tiêu chí đánh giá về hạ tầng khu tái định cư

Cũng tại Hội nghị, đã có 16 ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, phần lớn ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ khi bị thu hồi đất; quy hoạch sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai; ghi đầy đủ tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ…

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với điểm e, Khoản 1, Điều 80 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà ngưởi sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm”, các tổ dân phố cho rằng, đất đã bị lấn, chiếm thì không cần phân biệt là đất có được chuyển quyền hay đất không được chuyển quyền, đã là đất lấn chiếm thì phải bị thu hồi.

Tiếp đó, đóng góp về nội dung của Khoản 2, Điều 89 “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, đề nghị cần thể chế hóa rõ hơn các quy định tiêu chí thế nào là tốt hơn nơi ở cũ để các địa phương có căn cứ, cơ sở áp dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Quý Hải, cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm cụ thể.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Quý Hải, cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm cụ thể.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Quý Hải chia sẻ, việc đánh giá điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã gây khó khăn cho các bên thực hiện vì tiêu chí không cụ thể.

Thực tế đã cho thấy, nhiều khu tái định cư không có người dân về sinh sống vì lý do chủ yếu là không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống như nơi ở cũ. Do đó, cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm cụ thể.

Trong khi đó, đối với nội dung ghi đầy đủ tên trong sổ đỏ của hộ gia đình, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy cho rằng, về việc ghi đầy đủ tên trong sổ đỏ của hộ gia đình cần làm rõ một số thông tin như: Ghi cả trẻ mới sinh hay hay chỉ tuổi thành niên? Bởi dự thảo cho rằng cần ghi tất cả thành viên trong gia đình bao gồm cả con.

Theo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy, không nên giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án.
Theo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy, không nên giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án.

Cũng có ý kiến bỏ khái niệm “Hộ gia đình” mà thay vào đó là “đồng sử hữu”. Bởi theo ý kiến Nhân dân hiểu điều này không hợp lý vì như vậy số lượng thành viên hộ gia đình hoặc đồng sở hữu sẽ thay đổi sau khi lập sổ, mặt khác không phải tất cả thành viên đều có đóng góp. Vì vậy nên đặt vấn đề: Ai là người đầu tư (mua) thì ghi tên người đó, còn sau đó có vấn đề gì liên quan tài sản này do luật khác điều chỉnh, ví dụ Luật Thừa kế…

Tiếp đó, đối với nội dung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, ông Tống Xuân Duy cho rằng, theo Luật Đất đai 2013 trở về trước, việc giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai của các cấp khá hiệu quả. Nếu giao toàn bộ thẩm quyền cho Tòa án sẽ dẫn đến quá tải, tăng chi phí giải quyết cho các bên đương sự…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Lương Mậu Hùng đánh giá cao những ý kiên đóng góp của các đại biểu tham dự. Đồng thời khẳng định, sẽ tập hợp những ý kiến của các đại biểu, Nhân dân để trình các cơ quan có chức năng xem xét giải quyết.