Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản chặt cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2016 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Đây được xem là giải pháp tiên quyết nhằm kiểm soát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay.

 Lực lượng chức năng Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện đánh giá, xếp loại 2.826 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý. Trong đó, 51 cơ sở được xếp loại A (loại tốt), chiếm tỷ lệ 1,8%; 2.313 cơ sở xếp loại B (loại đạt), chiếm khoảng 81,8%; còn lại 462 cơ sở xếp loại C (không đạt).
Các cơ sở xếp loại A, B đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP theo quy định. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng, tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ. Đối với các cơ sở không đạt (xếp loại C), Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tập trung hướng dẫn việc khắc phục. Hiện, đã có 249/462 cơ sở được tái kiểm tra và nâng lên xếp loại B. Đối với 213 cơ sở còn lại, Sở NN&PTNT Hà Nội kiên quyết tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong các điều kiện về sản xuất, kinh doanh bảo đảm các điều kiện ATVSTP.
Cùng với việc quản chặt các cơ sở thuộc quản lý của TP, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc, các xã, phường, thị trấn tổ chức thống kê, lập danh sách những cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc địa phương quản lý. Tích cực tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSTP. Việc xác nhận kiến thức cũng được Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện nghiêm túc, khi chỉ có 8.095/11.028 người đạt yêu cầu được cấp giấy xác nhận kiến thức ATVSTP.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đối với việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, hiện vẫn còn những khó khăn nhất định. Một trong những rào cản lớn nhất là việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về các chỉ tiêu ATVSTP, nhất là các sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp. Theo đó thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu TP hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng ATVSTP. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách pháp luật về ATVSTP, đồng thời, tạo môi trường thuận lợi nhất để người dân, các DN tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản...
Đến nay, các địa phương đã tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định về ATVSTP đối với 181.875/198.108 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đạt tỷ lệ 92%. Việc nâng cao nhận thức, kiến thức về ATVSTP cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh cũng được ngành NN&PTNT Hà Nội chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 11.028 lượt người được tham gia tập huấn, xác nhận kiến thức về ATVSTP.