Thủ đoạn mới
Đến chợ gia cầm Hà Vĩ thời điểm này, không khí mua bán không còn tấp nập như trước Tết Nguyên đán. Nhiều gian hàng đóng cửa. Chị Lê Thị Nhàn, bán gà trắng công nghiệp tại kiốt 11 cho biết, trước Tết, mỗi ngày chị bán khoảng 500 - 600kg gà, nhưng nay chỉ khoảng 200 - 300kg/ngày. Không những thế, giá bán gà cũng giảm đáng kể. Hiện gà trắng chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg; gà Tam Hoàng 45.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg...
Quan sát tại chợ, chủng loại gà được bày bán khá đa dạng, từ gà trắng, gà Ai Cập, gà Mía đến gà đồi Bắc Giang, gà ta. Theo Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ, trước Tết, mỗi ngày chợ buôn bán khoảng 50 - 60 tấn gia cầm nhưng hiện nay đã giảm một nửa. Nguồn gốc gà được lấy chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Lạng Sơn, Thái Bình... Chợ Hà Vĩ có 162 hộ đăng ký kinh doanh nhưng hiện chỉ còn 146 hộ.
Kinh doanh gia cầm tại chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín. Ảnh: Quang Thiện
Ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban Quản lý chợ Hà Vĩ cho biết, theo quy định, mỗi xe chở gia cầm vào chợ đều được lực lượng thú y chốt trực cập nhật toàn bộ hồ sơ, giấy kiểm dịch. Tuy nhiên, các đối tượng vận chuyển gia cầm nhập lậu ngày càng tinh vi. Cụ thể, ngày 27/2, một xe du lịch Suzuki carry 7 (còn gọi là "su cóc") chở gia cầm nhập lậu đã "lọt" vào chợ mà chỉ mất phí xe 5.000 đồng. Ước tính, số lượng gà lậu trên xe khoảng 500kg, tương đương 200 - 250 con gà. Vụ việc sau đó đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Ông Dương Xuân Tĩnh, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín nhận định: "Việc vận chuyển bằng xe "su cóc" nhỏ gọn nên quay đầu rất nhanh khi bị phát hiện. Thậm chí có vụ, lái xe đâm thẳng vào cán bộ kiểm tra hoặc cho người nằm xuống đường cản xe của lực lượng công an" - ông Tĩnh cho biết.
Xử lý nghiêm vi phạm
Trong 2 tháng đầu năm 2013, Trạm Thú y huyện Thường Tín đã kiểm tra lâm sàng, phúc kiểm giấy chứng nhận kiểm dịch gia cầm vận chuyển về chợ được 459.655 con; lấy mẫu giám sát lưu hành virus H5N1 được 312 mẫu gộp, không phát hiện mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N1. |
Tại chợ Hà Vĩ, ngoài các loại gà thịt thương phẩm, gà thải loại trong nước cũng được bán, trong đó nhiều con cũng bị "trọc đầu" như gà Trung Quốc. Theo các kiểm dịch viên, về mặt cảm quan rất khó phân biệt được gà thải loại trong nước và gà nhập lậu Trung Quốc. Tuy nhiên, đa số gà loại thải Trung Quốc do bị tiêm thuốc kích thích, khai thác cạn trứng nên khi mổ, dạ con và trứng đã bị teo lại; còn gà loại thải trong nước vẫn còn nguyên. Trong tháng 2, Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành lấy 3 mẫu gà "trọc đầu" tại chợ Hà Vĩ để kiểm tra. Kết quả, tất cả các mẫu gà đều có nguồn gốc nuôi trong nước và không có tồn dư kháng sinh độc hại.
Chợ gia cầm Hà Vĩ có 6 cổng ra vào nhưng mỗi ca trực chỉ có 4 cán bộ thú y, một cán bộ công an, một cán bộ quản lý thị trường nên công tác kiểm soát gia cầm gặp nhiều khó khăn. Để kiểm soát tốt, bên cạnh việc vận động các hộ kinh doanh cam kết không buôn bán gia cầm nhập lậu (đến nay, đã có 68/81 hộ kinh doanh ký cam kết) ông Dương Xuân Tĩnh, kiến nghị, TP, huyện lập các đội tuần tra cơ động liên ngành tăng cường kiểm tra các trục đường chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, nhất là khu vực đường sông tại các bến đò giữa địa phận Hà Nội và Hưng Yên.