"Thỏa thuận là một từ quen thuộc gắn liền với ông Trump; điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, làm thế nào nó có thể phù hợp với lợi ích của Nga thì vẫn chưa rõ " - ông Nebenzia nhận xét.
Ông cũng cho biết các thông điệp từ chính quyền sắp tới của Mỹ đến nay vẫn còn khá mơ hồ và chưa thể hiện cam kết hay định hướng cụ thể đối với vấn đề Ukraine.
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột thay vì chỉ trì hoãn. Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào ngày 19/12, đã tái khẳng định điều kiện cho một giải pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga.
Ông Putin cũng đưa ra các yêu cầu bao gồm lệnh ngừng bắn ngay lập tức, sẵn sàng đàm phán, và rút quân đội Ukraine khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga coi là một phần của mình sau các cuộc trưng cầu dân ý. Ngoài ra, ông kêu gọi Kiev từ bỏ ý định gia nhập NATO, phi quân sự hóa, và áp dụng quy chế trung lập, không liên kết và không có vũ khí hạt nhân.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ sự tự tin trong nhiều bài phát biểu về việc ông có thể nhanh chóng đạt được một giải pháp đàm phán cho xung đột Ukraine. Ông cũng chỉ trích cách tiếp cận hiện tại của Mỹ, cho rằng các gói viện trợ lớn dành cho Ukraine không mang lại hiệu quả thực sự.
Ngày 22/12, ông Trump cho biết ông sẵn sàng chờ một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin để thảo luận về xung đột. Ông nhấn mạnh nếu ông còn tại nhiệm, cuộc xung đột này đã không xảy ra.
Về phía Nga, Tổng thống Putin trong một cuộc họp báo vào tháng 12 đã bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại với ông Trump, đồng thời nhấn mạnh các điều kiện để đạt được hòa bình, bao gồm việc ngừng bắn và rút quân.
Tuy nhiên, Đặc phái viên Nebenzia bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng thực hiện các cuộc đàm phán từ phía Ukraine. Ông cảnh báo bất kỳ sự trì hoãn nào từ Kiev đều có thể làm cho việc đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn.