Cả hệ thống vào cuộc đấu tranh tội phạm ma túy
Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm quận, hiện trên địa bàn có hơn 1.300 người nghiện ma túy, người có nguy cơ sử dụng ma túy, người điều trị Methadone và quản lý sau cai. Cùng với đó, đối tượng buôn bán ma túy thường thay đổi quy luật phương thức, thủ đoạn, nên rất khó xác định nhân thân, lai lịch, nhất là ở địa bàn giáp ranh, khu vực công cộng.
Trước tình hình phức tạp đó, BCĐ quận đã quyết liệt chỉ đạo Công an quận phối hợp các phòng, ban, UBND 18 phường là thành viên BCĐ triển khai hiệu quả các dự án tuyên truyền thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm và tham mưu quận ban hành các kế hoạch công tác phòng, chống ma túy.
Năm 2023, Công an quận Hai Bà Trưng đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”; chủ động tham mưu giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi cộm về tội phạm ma túy, tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan “bóng cười”, “shi sha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”… Trong đó, chú trọng kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở sản xuất kinh doanh tân dược, hóa chất liên quan ma túy, tiền chất. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức thành viên MTTQ cũng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống ma túy.
Kết quả nổi bật, 9 tháng năm 2023, lực lượng chức năng quận đã bắt giữ, xử lý 178 vụ với 197 đối tượng vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (tăng 12 vụ so với cùng kỳ), trong đó xử lý hình sự 159 vụ, 178 đối tượng. Toàn quận lập hồ sơ đưa đi cai nghiện 78 đối tượng, với 43 người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Phát huy hiệu quả những mô hình tại cơ sở
Theo Phó trưởng Phòng LĐTB&XH quận Hoàng Đạt Giang, với 791 người nghiện trong danh sách quản lý, có 479 người đang sinh sống tại địa bàn, 145 người vắng mặt, 83 người trong trường trại, 84 người trong trung tâm cai nghiện. Phần lớn người nghiện sau cai có học vấn thấp, không nghề nghiệp hoặc nghề không ổn định, nên dễ tái nghiện.
Song, nhờ những mô hình phòng, chống tái nghiện do cán bộ cơ sở đảm nhiệm hoạt động hiệu quả nên cùng với quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đưa người đi cai nghiện thì công tác quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai tại nơi cư trú cũng đạt kết quả tích cực. 3 năm 2021-2023, toàn quận tổ chức được gần 20 buổi tuyên truyền, sinh hoạt của tổ dân phố về quản lý, giúp đỡ người sau cai tại nơi cư trú, với trên 1.200 lượt người tham dự; phát thanh 72 tin, bài tuyên truyền...
Cùng đó, đội công tác xã hội tình nguyện các phường thường xuyên phối hợp ban, ngành, đoàn thể tổ chức tư vấn cho người nghiện, người sau cai và gia đình họ về tác hại của ma túy, biện pháp cai nghiện. Tình nguyện viên tại các địa bàn tích cực “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tập trung tuyên truyền cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao, người nghiện sau cai đoạn tuyệt ma túy.
Đến nay, 18/18 phường đã thành lập mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú: phường Nguyễn Du triển khai “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”; 5 phường (Minh Khai, Lê Đại Hành, Quỳnh Lôi, Vĩnh Tuy, Bạch Mai) có mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng- Câu lạc bộ B93”; 12 phường áp dụng mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng”.
Việc triển khai các mô hình đã hoàn thành 100% chỉ tiêu TP giao, tư vấn cho người nghiện nhận thức sâu sắc tác hại của ma túy sau khi cai trở về. Dù vậy, ông Hoàng Đạt Giang kiến nghị TP, Sở LĐTB&XH, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP thường xuyên tập huấn cho địa phương về triển khai các mô hình, về công tác cai nghiện, sau cai nghiện. Đồng thời, cần ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá cụ thể để nâng cao hiệu quả từng mô hình; có thêm những chương trình đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm cho người sau cai trở về địa phương.