Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản: Lý trí tạm thắng tình cảm

Đại sứ Trần Đức Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hai lý do khiến Nhật Bản và Trung Quốc hiện phải để cho lý trí tạm thắng tình cảm. Có hai điều khiến chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg.com
Thứ nhất là phải sau gần 8 năm mới lại có Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Quốc và ông Abe thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình đảm trách cả cương vị chủ tịch Trung Quốc. Thứ hai, ông Abe thăm Trung Quốc giữa khi mối quan hệ song phương này trắc trở chứ không êm đẹp, căng thẳng chứ không hài hòa, mà lại còn dai dẳng như thế trong suốt thời gian khá dài chứ không phải mới trở nên như vậy.
Hai điều này khiến thế giới hoài nghi đến mức không tin rằng 3 ngày ở thăm Trung Quốc của ông Abe đưa lại những kết quả mang tính đột phá giúp tháo gỡ được hết hoặc đa số vướng mắc, giúp vượt qua được hết hoặc đa số trắc trở trong mối quan hệ song phương để có thể mở ra được thời kỳ quan hệ mới cho hai nước.
Vì thế, kết quả quan trọng nhất và đáng kể nhất của chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe là sự kiện này được thực hiện, tức là ông Abe đi Trung Quốc và phía Trung Quốc đón ông Abe. Hay nói theo cách khác, ông Abe có nhu cầu đi thăm Trung Quốc và phía Trung Quốc có nhu cầu đón ông Abe tới thăm.
Hai bên cần biểu lộ ra bên ngoài hình ảnh là Nhật Bản và Trung Quốc đang xích lại gần nhau và mối quan hệ song phương đang trở lại bình thường, đang hướng tới những triển vọng phát triển tốt đẹp mới. Phái bộ kinh tế thương mại bao gồm gần 500 DN lớn của Nhật Bản tháp tùng ông Abe thăm Trung Quốc cũng là một phần của chủ ý ấy.
Giữa Trung Quốc và Nhật Bản dai dẳng lâu nay ba mối khúc mắc lớn.
Thứ nhất là chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 3 hòn đảo và khắc phục hậu quả pháp lý cũng như đạo lý của quá khứ lịch sử.
Thứ hai là Nhật Bản có mối quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ trong khi quan hệ của Mỹ với Trung Quốc luôn phức tạp và trong tình trạng cạnh tranh chiến lược quyết liệt. Vì thế, cho nên dù Trung Quốc và Nhật Bản là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng đến mấy đối với nhau, khoảng cách giữa hai bên vẫn luôn rất đáng kể và mức độ nghi ngại lẫn nhau vẫn rất lớn về phương diện quân sự, an ninh và chính trị khu vực, hay nói theo cách khác, hai bên vẫn không tin nhau.
Thứ ba là giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng có cuộc ganh đua chiến lược ở bên ngoài khu vực Đông Bắc Á như ở Đông Nam Á và Biển Đông, ở khu vực Nam Á và thậm chí còn ở cả châu Phi. Hai bên có những hình thức cạnh tranh ảnh hưởng với nhau và những cách chơi con bài đối trọng riêng.
Nhật Bản không tham gia kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc mà tập trung cùng Mỹ, Ấn Độ và Australia gây dựng cái gọi là Tứ giác kim cương trong khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Trở về Nhật Bản từ Trung Quốc, ông Abe sẽ đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thăm. Chưa có vị lãnh đạo quốc gia nào khác trên thế giới gặp gỡ và hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump như ông Abe. Trung Quốc gây dựng Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) thì Nhật Bản tăng cường sử dụng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích giữa hai bên không chỉ sâu sắc mà còn mang tính cơ bản.
Trong bối cảnh tình hình như thế mà Trung Quốc và Nhật Bản dàn xếp ổn thỏa để có được chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe là bởi cả hai phía đều để cho lý trí chế ngự tình cảm, nếu như không được như vậy cả cho lâu dài sau này thì ít nhất cũng vào thời điểm hiện tại.
Trước đấy, ông Abe và ông Tập Cận Bình đã một vài lần gặp nhau bên lề những sự kiện quốc tế. Và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công du Nhật Bản. Chuyến đi Trung Quốc này của ông Abe sẽ mở đường cho ông Tập Cận Bình thăm Nhật Bản lần đầu tiên.
Có hai lý do khiến Nhật Bản và Trung Quốc hiện phải để cho lý trí tạm thắng tình cảm. Thứ nhất là cả hai đều bị ông Trump gây xung khắc thương mại, đều phải đối phó và đáp trả những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump và đều phải xử lý quan hệ song phương với Mỹ ở thời đối tác này có tổng thống tính khí thất thường. Vì thế, Trung Quốc và Nhật Bản phải xích lại gần nhau, co cụm và lập hội, cùng nhau và giúp nhau ứng phó Mỹ.
Lý do thứ hai là ở khu vực Đông Bắc Á hiện có chuyển biến nhanh chóng trong quan hệ giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên. Lợi ích chiến lược và thiết thực của Trung Quốc và Nhật Bản bị động chạm trong khi cả hai đều phải trực diện nguy cơ bị mất vai trò, bị coi như khán giả và bị mất phần. Vì thế, Trung Quốc và Nhật Bản phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động.
Sẽ có thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên được ký kết nhân chuyến thăm này của ông Abe. Sẽ có những biểu lộ về đồng thuận. Nhưng tất cả mới chỉ đủ cho một sự khởi đầu mới cho quan hệ giữa hai nước này.