Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý an toàn thực phẩm: Bài toán khó ở Hoài Đức

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những huyện có nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhất của TP Hà Nội, nên việc quản lý ATTP trên địa bàn huyện Hoài Đức thực sự là bài toán không hề dễ dàng.

Vi phạm còn nhiều
Xã La Phù, huyện Hoài Đức được công nhận là địa phương có làng nghề truyền thống dệt kim và sản xuất bánh kẹo từ năm 2011. Hiện nay, toàn xã có hơn 500 công ty, cơ sở sản xuất, trong đó có trên 160 DN, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đánh giá của UBND xã La Phù, nhìn chung các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã chấp hành tốt các quy định về VSATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chấp hành chưa nghiêm, nhất là không sử dụng đồ bảo hộ lao động khi tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm.

Kiểm tra ATTP tại Công ty TNHH Việt Thái, xã La Phù, huyện Hoài Đức.     Ảnh: Quang Thiện

Ông Nguyễn Hữu Khoa – Phó Chủ tịch UBND xã La Phù chia sẻ, đội ngũ cán bộ ATTP xã đều là kiêm nhiệm, lại thiếu trang thiết bị nên công tác kiểm tra còn hạn chế, chủ yếu bằng trực quan.
Không riêng gì La Phù, tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng gặp khó khăn tương tự. Toàn huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, 12 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận. Đặc biệt, Hoài Đức là một trong những địa phương có số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm lớn nhất TP với trên 3.100 cơ sở. Mặc dù nhiều cơ sở đã chú trọng đầu tư cải thiện điều kiện sản xuất, chế biến, song vẫn còn có các cơ sở chưa đảm bảo ATTP, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, thức ăn đường phố.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết, vi phạm chủ yếu là vệ sinh cơ sở, dụng cụ, vệ sinh cá nhân, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đảm bảo, công nhân chưa được khám sức khỏe định kỳ và cấp giấy xác nhận đảm bảo ATTP… Trong giai đoạn 2011 – 2016, qua kiểm tra gần 7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tỷ lệ đạt yêu cầu về ATTP chỉ khoảng hơn 60%. Lực lượng chức năng huyện đã xử phạt hành chính 297 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Xử lý nghiêm vi phạm
Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của các xã trên địa bàn Hoài Đức đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các thời điểm lễ Tết, đợt cao điểm hành động vì VSATTP. Tuy nhiên, đoàn cũng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền là chính bởi không có thiết bị kiểm tra nên không có căn cứ kết luận thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không. Hơn nữa, nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, làm theo thời vụ nên khó khăn trong việc quản lý ATTP.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Mậu Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, ngành nông nghiệp TP đã triển khai rất nhiều văn bản hướng dẫn, phân cấp quản lý ATTP cho tuyến cơ sở. Mặc dù vậy, số cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được cấp chứng nhận ATTP của huyện Hoài Đức còn quá thấp (19,2%). “Trong công tác xử lý vi phạm, huyện còn nhắc nhở nhiều mà chưa xử phạt mạnh nên không đủ sức răn đe” – ông Hải nhận định.
Ông Đỗ Đức Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận, huyện là một trong những “điểm nóng” về ATTP với đặc thù có rất nhiều làng nghề, chợ đầu mối, chợ dân sinh. Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thấp, ông Trung cho biết, do quy mô sản xuất nhỏ, có hộ chỉ 100m2. Thêm vào đó, quy hoạch của Hoài Đức lại trùng hết vào quy hoạch đô thị nên không mở rộng được các điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Chính vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tập trung vận động các hộ dân đăng ký sản xuất, kinh doanh và cam kết đảm bảo ATTP, coi đây là gốc để quản lý ATTP. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sự răn đe.