Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý phương tiện, giảm tai nạn cho người trẻ 

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo về an toàn giao thông (ATGT), hạn chế tối đa các vụ tai nạn thương tâm do trẻ em cầm lái, vấn đề quản lý phương tiện và nâng cao ý thức cho nhóm đối tượng này cần được chú trọng hơn nữa.

Siết chặt cơ chế

Theo thống kê năm 2023, có hơn 2.300 người dưới 18 tuổi gặp thương vong do tai nạn giao thông, trong đó hơn 1.000 người đã tử vong. Đáng chú ý, 80% nạn nhân nằm trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18, và đa số các em đều tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, Uỷ Ban ATGT Quốc gia cho rằng người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50 phân khối cũng cần tổ chức sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: "Đối tượng trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc hoặc xe máy điện thì chúng tôi tha thiết đề nghị có GPLX hoặc chứng chỉ”.

Tình trạng thanh niên từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ diễn ra rất thường xuyên.
Tình trạng thanh niên từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ diễn ra rất thường xuyên.

Theo TS Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ Ban ATGT Quốc gia: “Việc cấp chứng chỉ lái xe cho đối tượng thanh niên có tuổi từ 16 đến dưới 18 điều khiển xe gắn máy rất là xác đáng. Tuy nhiên bàn về hạng GPLX thì cần cân nhắc để điều chỉnh cho hợp lý”.

Công ước về Giao thông đường bộ của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia cho phép người từ 16 đến dưới 18 tuổi được phép lái xe gắn máy. Nhưng thực tế, người tham gia giao thông hiện nay đang điều khiển đa số là xe mô tô, không phải xe gắn máy. 

Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50km/h. “Những người điều khiển xe 50 phân khối như Honda 50 hay một số xe tương tự, đang có tốc độ cực đại lên đến 60 - 80km/h. Như vậy gọi đây là xe gắn máy không đúng với tinh thần của quy chuẩn về ATGT. Có thể nói, việc quản lý xe gắn máy vẫn còn bất cập” - TS Khương Kim Tạo chia sẻ.

Theo quan điểm chung của nhiều quốc gia trên thế giới, tốc độ tối đa của xe được xem là một tiêu chí quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ATGT. Bất kỳ phương tiện nào chạy bằng động cơ và có tốc độ tối đa theo thiết kế vượt quá 50km/h đều được phân loại là mô tô.TS Khương Kim Tạo cho rằng: “Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định những người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh nhỏ hơn 50 phân khối không cần GPLX. Nhưng với luật mới, chúng ta có thể dùng cụm từ “người điều khiển mô tô phải có GPLX” là đủ. Còn lại là công tác chuẩn mực lại tất cả các phương tiện mô tô được phép tham gia giao thông”. 

Khi tất cả những người từ 16 - 18 tuổi lái xe gắn máy có tốc độ cực đại chỉ đến 50km/h, với dung tích xi lanh nhỏ, công suất động cơ điện cũng nhỏ thì vấn đề về an toàn sẽ được đảm bảo.

Nâng cao ý thức

Theo khoản 3, Điều 7 của dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ: "Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo quy định cho học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi học tại cơ sở giáo dục đó". 

Ông Khuất Việt Hùng nhận định đây là một khoảng trống lớn và có nhiều bất cập. Do đó phải tổ chức sát hạch GPLX cho cho đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Góp ý về vấn đề này, TS Khương Kim Tạo cho biết: “Công tác giáo dục ATGT trong nhà trường sẽ được dạy từ lớp 1 cho đến lớp 12. Mỗi một cấp đều có những nội dung khác nhau. Từ nội dung đi bộ qua đường an toàn đến vấn đề điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện… và những tri thức cần thiết để đảm bảo an toàn.”

Các lớp tập huấn, bồi dưỡng cần sự phối hợp giữa nhà trường, cơ quan chức năng để bổ sung kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như hiểu biết về pháp luật, trật tự ATGT, văn hoá giao thông cho học sinh. Sau đó cấp chứng chỉ cho đối tượng đã tham gia lớp tập huấn về ATGT. Điều này sẽ không làm xáo trộn thêm công tác đào tạo bằng lái xe. 

“Siết chặt công tác cấp GPLX không là chưa đủ. Bên cạnh việc cải thiện quy định pháp luật về trật tự ATGT thì vấn đề giáo dục ý thức, nâng cao thái độ khi đi đường cũng cần được quan tâm hơn nữa. Dù đã có khả năng điều khiển phương tiện tốt, thuộc quy tắc đi đường, hiểu về pháp luật, nhưng do tuổi hiếu động, nghịch ngợm nên vẫn nhiều trường hợp chở 3, chở 4 rồi lạng lách, đánh võng,…” - TS Khương Kim Tạo chia sẻ.

Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về nhận thức và ý thích của mỗi nhóm người ở độ tuổi khác nhau, khu vực khác nhau để giáo dục về thái độ, trách nhiệm khi tham gia giao thông. 

Lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 hiện nay thường xuyên sử dụng hệ thống mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Các nhà quản lý có thể theo hướng này để tăng cường hình ảnh, thông điệp liên quan đến ATGT. Đồng thời, cũng hạn chế những thông tin kích động liên quan đến những hoạt động gây mất trật tự ATGT như “biểu diễn xiếc”, lạng lách, đánh võng đăng lên mạng xã hội để câu like, vì lứa tuổi này rất dễ bị ảnh hưởng và học theo thói xấu.

Giáo dục để đối tượng thanh thiếu niên thấm nhuần các điều khoản trong luật cũng như ứng xử có văn hóa trong quá trình tham gia giao thông là vấn đề mà gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp, để đảm bảo an toàn cho chính các em và những người tham gia giao thông khác, xây dựng xã hội thanh bình, an toàn và thân thiện hơn.