Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công: Vừa lỏng lẻo, vừa chồng chéo

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 tuần triển khai tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản xuất, kinh doanh rượu trên phạm vi toàn quốc, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, nhiều bất cập cũng đã được các địa phương phản ánh trong quá trình quản lý mặt hàng này.
Nhiều bất cập
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sau 2 tuần thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, lực lượng chức năng đã xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại...

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất rượu thủ công tại xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù đã tích cực vào cuộc nhưng thực tế kiểm tra cho thấy vẫn đang tồn tại nhiều bất cập cần khắc phục. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, đa số các hộ dân sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ dân nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nên không chú trọng đến chất lượng ATTP. Không chỉ có vậy, việc sản xuất diễn ra không thường xuyên, nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, hiện đang có quá nhiều đơn vị quản lý sản phẩm rượu dẫn đến tình trạng chồng chéo. Cụ thể hộ dân muốn sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh do sở KH&ĐT cấp, giấy phép sản xuất rượu do sở công thương cấp, nhãn hiệu do sở KH&CN cấp, còn đăng ký chất lượng lại do sở y tế cấp. Chồng chéo trong quản lý nên nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi: Yêu cầu có giấy phép với từng người dân sản xuất tại gia đình có đúng thực tiễn hay không, nếu đặt ra thủ tục quá phức tạp, người dân sẽ không tuân thủ mà chỉ đặt ra để đó. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Việc xử lý hiện nay rất vướng như: Để quản lý việc sản xuất, tiêu thụ rượu đã có Nghị định 94/2012/NĐ-CP, nhưng chưa có quy trình, quy phạm quốc gia về sản xuất rượu thủ công,  không có nghị định về xử phạt như phân bón hay xăng dầu. Hơn nữa, việc để các cơ sở, cá nhân sản xuất rượu tự công bố hợp quy rất mông lung, bởi không biết công bố trên cơ sở nào.
Trong khi đó, việc nấu rượu thủ công khá phổ biến, mua bán cồn công nghiệp cũng rất dễ dàng, người dân vẫn sử dụng rượu không tên tuổi, nhãn mác. Những vụ ngộ độc rượu diễn ra liên tiếp thời gian gần đây là kết quả của việc quản lý lỏng lẻo và thói quen tiêu dùng chủ quan của người dân.
Chính quyền lúng túng
Mặc dù Nghị định 94 quy định UBND huyện là nơi cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất rượu thủ công bán cho DN có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu nhưng thực tế cho thấy UBND các cấp tỏ ra lúng túng khi thực hiện.
Hầu hết UBND quận, huyện đều khẳng định đã nhận được công văn từ Sở Công Thương Hà Nội về Nghị định 94 nhưng lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi, đặc biệt là thẩm quyền của UBND xã. Ông Nguyễn Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên cho biết: Nghị định 94 không nêu rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong việc thực thi nên sau khi nhận được công văn của huyện Phú Xuyên về việc này, UBND xã chỉ tuyên truyền. Đến nay, mặc dù xã Hồng Minh có tới 70 hộ sản xuất rượu nhưng chưa có hộ nào được cấp giấy chứng nhận sản xuất.
Phản ánh từ các hộ sản xuất rượu thủ công cho thấy, thủ tục cấp phép sản xuất còn quá phức tạp gây khó cho người sản xuất. Ông Nguyễn Trung Dũng (thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên) than phiền: Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, liệt kê tên rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu cá nhân dự kiến sản xuất…
Thông tin từ Bộ Công Thương, nhằm quản lý chặt chẽ mặt hàng rượu, Bộ Công Thương đang hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định 94. Đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết: Nghị định mới sẽ siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Chẳng hạn bổ sung quy định cấm trưng bày, bán các loại rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có tem rượu. Tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ…