Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý vốn Nhà nước: Đừng kỳ vọng vào một mô hình quá đa mục tiêu

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo Mô hình quản lỹ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam ngày 27/4, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, đề án về quản lý vốnNhà nước quá đa mục tiêu và không có thứ tự ưu tiên.

Theo ông Thành, vừa muốn tách bạch để nâng cao hiệu quả quản trị, nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh, muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn muốn giữ vai trò điều hành DN nhà nước như một công cụ chính trị. Trong khi đó, không một mô hình nào thực hiện được đa mục tiêu. Mô hình doanh nghiệp lợi ích nhất là tập trung được tối đa hóa lợi ích cổ đông, nhà nước với vai trò là cổ đông trong DN. Còn mô hình Nhà nước sẽ giữ được mục tiêu chính trị. Do vậy, Việt Nam buộc phải đưa ra lựa chọn.
 
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, việc làm thế nào quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu luôn là điều trăn trở của Đảng và Nhà nước nhiều năm qua. Chính đó là động lực để Chính phủ tìm tòi thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau về quản lý vốn nhà nước tại DN trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Quán triệt tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định.

Dù có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, nhưng đến nay Đề án được chốt lại ở hai mô hình quản lý chính để lựa chọn. Một là mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước, với việc thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Hai là mô hình cơ quan chuyên trách là DN, theo đó sẽ thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Theo các chuyên gia, mỗi mô hình được đưa ra đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh việc mô hình mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý. Đây đang là vấn đề thời sự được bàn luận khá sổi nổi trên các diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng

Còn ông Phạm Đức Trung- Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương phân tích, mô hình cơ quan quản lý có ưu điểm là vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình doanh nghiệp. Hơn nữa, chế độ viên chức nhà nước không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường.

Trong khi đó, mô hình doanh nghiệp có ưu điểm về tính linh hoạt, về chi phí và thủ tục thành lập gọn nhẹ. Về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình doanh nghiệp rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý. Ngoài ra, cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận mặc dù đem lại hiệu quả rõ nét hơn nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng đầu tàu phát triển các lĩnh vực nền tảng cần vai trò của DNNN.