Tuy nhiên, trên thế giới không có mô hình thống nhất về quản lý vốn tập trung, bởi đây là vấn đề hết sức phức tạp và phải phù hợp đặc thù của mỗi nền kinh tế. Chính vì chưa có tiền lệ nên hoạt động trong những năm đầu tiên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của CMSC cũng chính là góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của khu vực DN nhà nước (DNNN), tạo dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế.
Công nhân Truyền tải điện Tây Bắc (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) kiểm tra, sửa chữa đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Không thể đi ngược chủ trương cải cách
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: Đúng là thời gian vừa qua, có cái chưa ổn trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ-TCT) khi thuộc CMSC nhưng cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ. CMSC mới được thành lập 19 tháng, có thể mô hình mới hoạt động thì quá trình chuyển đổi chưa quen nhưng đó không phải nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trong xử lý DA của các DN. Đối với các DA hiện không xác định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, vấn đề này thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật, các đơn vị có thể gửi văn bản tập hợp báo cáo để được giải thích rõ.
Bên cạnh đó, cần rà soát xem các DA này đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định hiện hành chưa. Nếu chưa xong thủ tục thì phải tiến hành lại, tránh mắc “căn bệnh” của đầu tư công thời kỳ trước đây là chuẩn bị DA chỉ 1 đến 2 năm nhưng thi công 10 năm chưa xong. Thay vào đó, có thể chuẩn bị kỹ lưỡng để thi công trong 1 đến 2 năm.
“Vấn đề là phải đổi mới hình thức và tư duy hành động mới phù hợp tình hình, lấy thước đo cũ để đưa ra thì rất khó. Trong thời gian vừa qua, tiến độ nhiều DA bị chậm lại vì phải rà soát thủ tục, một phần do cách làm thận trọng, khắc phục hậu quả sau bài học rút ra từ hàng loạt DA đầu tư không hiệu quả mà điển hình là 12 DA của ngành công thương. Còn khắc phục được ngay hay từng bước thì thông qua hoạt động này và phản ánh của các TĐ-TCT gần đây, chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi để có bộ máy và văn bản pháp quy đơn giản nhất, ai đọc cũng hiểu và áp dụng được ngay”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Với tư cách của người làm pháp luật, TS Nguyễn Đức Kiên khẳng định đề xuất được trở về Bộ Giao thông vận tải (GTVT) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là không đúng và thể hiện sự trì trệ của nội bộ ngành đường sắt. Được bàn giao về CMSC, VNR có một năm ở giai đoạn chuyển tiếp nhưng không chịu đổi mới mô hình tổ chức theo quy định của luật. Thay vào đó, DN vẫn loanh quanh ở mô hình cũ để được thực hiện theo cơ chế giao vốn như trước đây, không muốn đấu thầu công khai minh bạch và đề xuất sửa luật, sửa Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ cho phù hợp với mô hình của mình.
Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất của DN quay lại bộ chủ quản là đi ngược với chủ trương cải cách đã được khẳng định tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN, nhất là các TĐ-TCT lớn. Trong đó có nhiệm vụ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN nhằm thực hiện cơ chế quản lý vốn tập trung, bắt kịp thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư và là người tham gia xây dựng Đề án thành lập CMSC cho rằng, nếu đồng ý với đề xuất của VNR nghĩa là quay lại cơ chế “xin - cho” mà chúng ta muốn từ bỏ. Hiện đang có những văn bản, quy định vênh nhau, không tương thích, gây khó khăn cho hoạt động của các DN, cần phải sửa đổi nhưng phải tuân thủ đúng nguyên lý vận hành của cái mới, xu thế mới, không thể vì vướng mà quay trở lại con đường cũ mà vì nó, nền kinh tế đã phải mất rất nhiều thời gian và chi phí để sửa lỗi.
Hướng tới tổ chức quản lý vốn chuyên nghiệp
Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, những kiến nghị của các TĐ-TCT đang được Chính phủ, Thường trực Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền thảo luận, tìm giải pháp xử lý. Trong đó, nhiều vướng mắc DN nêu có liên quan quy định của pháp luật, hoàn toàn không phải do DN thuộc quyền quản lý của bộ chủ quản hay CMSC. Đơn cử, việc dừng giao vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho các DA của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ năm 2019 là thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương không chuyển vốn vay, vốn bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN nhằm cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Đến thời điểm này, toàn bộ số vốn đầu tư các DA do VEC quản lý giải ngân từ năm 2015 đến nay đều chưa được Quốc hội chấp thuận quyết toán vốn. Liên quan đến một số DA chậm tiến độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)... CMSC cho biết, do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, xác định tài sản công, tài sản DN, một số DA chưa được đánh giá đầy đủ, chưa có phương án đầu tư cụ thể, có nguy cơ mất vốn nhà nước cho nên chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), những vướng mắc liên quan đến các DA đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của các TĐ-TCT không hoàn toàn xuất phát từ tính đặc thù của DA đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý của CMSC. Đây là vướng mắc chung đối với nhiều DA khác do Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thiếu cụ thể, không thống nhất, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Do đó, ngoài việc thực hiện giải pháp để xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thi hành pháp luật.
Thứ trưởng KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, trong khi chờ sửa luật, Bộ KH-ĐT kiến nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc xử lý vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các DN do CMSC làm đại diện chủ sở hữu theo hai nội dung. Một là giao nhiệm vụ cho các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án hoàn thiện quy định của các luật có liên quan. Hai là xử lý ngay một số vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng lưu ý, khi xây dựng các văn bản luật trước đây chưa tính tới hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý vốn cho nên khi triển khai đã nảy sinh vướng mắc, có nội dung chưa thể áp dụng được ngay.
Tuy nhiên, ở đây cũng có vấn đề do cách tiếp cận của TĐ-TCT vì cùng phải áp dụng các quy định tương tự nhưng đã có những DA của DN tư nhân triển khai đầu tư được, trong khi DNNN gặp nhiều khó khăn, như đối với dự án mua sắm máy bay, đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực hàng không.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, sửa đổi các luật có liên quan là cần thiết nhưng cũng cần tăng thẩm quyền cho CMSC để hoạt động hiệu quả hơn, cụ thể là giao thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền được cấp ngân sách và giao chỉ tiêu cụ thể về tài chính cho các TĐ-TCT do CMSC quản lý. Đồng thời có cơ chế để CMSC tuyển dụng được nhân sự đủ năng lực đảm đương trách nhiệm. Một số chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, cần tổng kết hai năm thi hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC để nhận diện những hạn chế, bất cập để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho CMSC, đồng thời có cơ chế tài chính riêng để cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn, hướng tới hoạt động theo mô hình một tổ chức quản lý vốn chuyên nghiệp, một nhà đầu tư, không phải một cơ quan hành chính cấp trên của DNNN.