Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Tây Hồ phát triển lâu dài mạng lưới trường học

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2020, toàn quận sẽ có từ 27 - 33 trường công lập, trong đó 24 trường đạt chuẩn quốc gia.

Đó là mục tiêu quận Tây Hồ hướng tới qua đề án phát triển mạng lưới trường học giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được ban hành và đưa vào triển khai.
Quang cảnh trường Mầm non An Dương, quận Tây Hồ. Ảnh: Quỳnh Anh
Quang cảnh trường Mầm non An Dương, quận Tây Hồ. Ảnh: Quỳnh Anh
Tây Hồ là một trong số ít địa phương xây dựng và triển khai đề án riêng về phát triển mạng lưới trường học, đặc biệt là hệ thống trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Lãnh đạo quận cho biết, đề án được xây dựng trên cơ sở khảo sát rất kỹ thực trạng trường lớp trên địa bàn, đồng thời dự báo về khả năng tăng dân cư trong những năm tới để đề ra lộ trình hàng năm.

Hiện, toàn quận có 46 trường và 56 nhóm lớp mầm non, là một trong những quận dẫn đầu TP về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia với 20 trường (trong đó có 19/24 trường công lập), chiếm tỷ lệ 79,2% (Tây Hồ cũng là quận duy nhất có 100% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia). Tuy nhiên, dù 100% các phường có đủ trường công lập ở cả ba cấp học, nhưng với sự gia tăng dân số nhanh, vẫn dẫn tới tình trạng hầu hết các lớp học đều vượt quá sĩ số tiêu chuẩn (sĩ số trung bình/lớp bậc học mầm non công lập là 51 trẻ, tiểu học là 46 học sinh (HS) và THCS là 40 HS). Đặc biệt, từ nhiều năm nay, tại phường Tứ Liên, trường THCS vẫn phải học nhờ ở đình Nội Châu. Theo Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng, nếu không có sự dự báo và triển khai sớm, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa mạnh, dân số tăng mạnh, sẽ tạo ra một áp lực không nhỏ đến hệ thống giáo dục quận. Bởi thế, rất cần có sự “dự liệu” về cả kinh phí và đất đai, đặc biệt là cho hệ thống giáo dục công lập.

Chỉ riêng bậc tiểu học, hiện để đáp ứng tiêu chí 100% HS học 2 buổi ngày với sĩ số 40 HS/lớp, quận đã thiếu 71 phòng học và cần xây thêm 1 trường tiểu học Tứ Liên (hiện vẫn phải học tại 2 cơ sở, trong đó cơ sở 1 học tạm trên khuôn viên đình làng). Cùng với đó, theo khảo sát, trong 5 năm tới, số HS trong độ tuổi lớp 1 sẽ tăng 10%. Như vậy, đến năm 2020, dự báo số phòng học tại các trường tiểu học công lập thiếu sẽ tăng lên 133 phòng.

Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Xuân Tài cho biết, với tổng kinh phí dự kiến từ nguồn ngân sách của quận (chưa bao gồm chi phí GPMB) dự kiến là hơn 590 tỷ đồng, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn quận sẽ có từ 27 - 33 trường công lập, trong đó 24 trường đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2030, gần 100% trường sẽ đạt chuẩn...

Đề án cũng đưa ra những lộ trình cụ thể cho từng năm, với từng phường, công trình trường học. Như cùng với mở rộng, cải tạo các trường hiện thiếu phòng học, trong năm 2017 - 2018, quận sẽ triển khai dự án xây dựng trường Tiểu học, THCS Tứ Liên theo quy hoạch tại 7000m2 Đầm cụm 1 phường Tứ Liên; năm 2017, hoàn thành dự án trường Tiểu học An Dương (giai đoạn 2) tại phường Yên Phụ; đề xuất xin bổ sung quy hoạch dự án xây dựng trường Mầm non An Dương 2 (khu 16ha giáp ranh giữa An Dương và Tứ Liên); năm 2018, triển khai dự án xây dựng trường Mầm non Nhật Tân 2 tại khu đất quy hoạch cây xanh...

Ông Tài cho biết, quận sẽ tiếp tục khảo sát, đề nghị chủ đầu tư khu đô thị Nam Thăng Long, Tây Hồ Tây xây dựng các trường công lập và ngoài công lập tại 2 khu đô thị này; chủ đầu tư dự án khu chung cư tại 27 Thụy Khuê (khu đất Công ty Xe điện Hà Nội hiện nay) xây dựng trường mầm non tư thục theo quy hoạch. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu học tập của HS tại những khu vực sẽ hình thành các khu chung cư dọc theo tuyến đường Võ Chí Công để dành đất cho trường học. Đối với các ô đất quy hoạch giáo dục nhưng không triển khai dự án, quận sẽ báo cáo UBND TP thu hồi và giao cho quận để xây dựng trường công lập.