Quảng Nam: Nhiều bất cập trong giải phóng mặt bằng và thanh kiểm tra

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMT) và thanh tra, kiểm tra làm khó doanh nghiệp. Ngoài ra, việc nhiều cán bộ “sợ sai” cũng là một trong số những nguyên nhân khiến kinh tế tỉnh này chậm lại.

Cần chế tài xử phạt việc chậm GPMB

Ngày 19/7, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X bước vào phiên thảo luận tổ. Tại đây, nhiều đại biểu đã thẳng thắn phản ánh vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường GPMB, cũng như việc thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành.

Đại biểu Nguyễn Viết Dũng cho biết, hiện nay công tác bồi thường, GPMB được giao cho các trung tâm GPMB công thực hiện. Tuy nhiên, qua theo dõi, có nhiều dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB đạt từ 97 - 98%, số còn lại (khoảng 2 - 3%) cứ kéo dài mãi năm này qua năm nọ, không chịu giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nguyên nhân lớn xuất phát từ cơ chế chính sách và cách làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ GPMB, không đặt cái tâm vào công việc.

Đại biểu Nguyễn Viết Dũng đề nghị cần có chế tài xử phạt đối với việc chậm thực hiện GPMB.
Đại biểu Nguyễn Viết Dũng đề nghị cần có chế tài xử phạt đối với việc chậm thực hiện GPMB.

“Một phần nguyên nhân là do hiện nay chưa có chế tài xử phạt nào đối với việc chậm thực hiện GPMB, cũng như chưa có cán bộ nào bị xử lý...” - đại biểu Nguyễn Viết Dũng nêu.

Qua đây, ông Nguyễn Viết Dũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường, GPMB, không thể để doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay. Đồng thời, có chế tài cụ thể đối với các đơn vị GPMB khi không thực hiện theo đúng tiến độ GPMB, cũng như tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Diệu nêu: “Hiện còn nhiều dự án đã được đầu tư nhưng chậm tiến độ, kéo dài cả mấy năm trời. Điển hình như dự án cầu Tam Giang, Tam Tiến ở huyện Núi Thành. Việc này cần có giải pháp xử lý, và quan trọng hơn là cần có chế tài xử lý cán bộ chậm GPMB”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam Phạm Quốc Hùng cho rằng, khó khăn nhất trong việc GPMB ở các dự án là bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm làm tốt việc tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện tốt hơn. Có như vậy thì người dân mới an tâm, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Thanh, kiểm tra quá nhiều

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam Phạm Quốc Hùng đã nêu lên bất cập trong việc thanh, kiểm tra khi số lượng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong năm quá nhiều.

“Việc thanh tra, kiểm tra của các sở, ban ngành đối với các doanh nghiệp quá nhiều trong năm, khiến các đơn vị lo in ấn hồ sơ, giấy tờ phục vụ mà không có thời gian hoạt động” - ông Phạm Quốc Hùng nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng việc thanh, kiểm tra quá nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng việc thanh, kiểm tra quá nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc thanh tra, kiểm tra liên tục khiến các cán bộ ở địa phương không có thời gian để làm việc khác.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, bây giờ các chế độ chính sách, quyền lợi người dân nắm hết, đất đai giá nhà nước thế nào, thị trường ra làm sao, người dân so sánh, biết hết. Trong khi đó, chế độ chính sách về bồi thường của tỉnh còn “kém” so với một số địa phương khác.

“Một số địa phương như Thanh Hóa, Quảng Ninh đã vận dụng Điều 74 trong nguyên tắc bồi thường. Tức là khi thu hồi phải ưu tiên tạo quỹ đất, khi không có đất mới bồi thường bằng tiền, trong khi đó Quảng Nam ưu tiên bồi thường bằng tiền. Đây là điểm nghẽn rất lớn của tỉnh nhà, cần phải có chuyên đề bàn chuyên sâu về vấn đề này qua đó tháo gỡ. Ngoài ra, việc cưỡng chế nay rất khó khăn, một bộ hồ sơ phải cân đi, đo lại cả mấy tháng  mới dám cưỡng chế”, ông Nguyễn Văn Sơn dẫn giải.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hội An cũng chỉ ra một “điểm nghẽn” rất lớn nữa đó chế độ, trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương. Trước đây, khi trình hồ sơ lên nếu có thiếu sót một xíu vẫn thu, nhận rồi ký sau đó cho anh em bổ sung. Bây giờ, không chỉ cần thiếu một chút đã bắt mang về, vài ngày sau kể cả tuần mang lên chưa chắc đã nhận.

“Cán bộ ''run sợ'' thì dân và doanh nghiệp lãnh đủ. Ngoài ra, cơ chế không rõ ràng, tâm lý run sợ nên khi nhìn vào chỗ nào cũng thấy sai khiến anh em không ai dám làm” - đại biểu Sơn nói.

 

Hiện nay, các cán bộ của chúng ta có tâm lý “sợ sai” ngày càng nhiều. Nhiều người không dám làm trong quá trình xử lý công việc. Chúng ta không nên đổ lỗi hết cho việc do cơ chế, chính sách. Kinh tế chậm lại có một phần do cán bộ “sợ sai”, không dám làm. Qua nhiều thông tin báo chí đăng tải, cán bộ bị bắt nhiều quá khiến nhiều người có tâm lý run sợ.

Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Diệu

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần