Báo cáo tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X ngày 7/12 cho biết, trong năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.464 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%). Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.654 tỷ đồng.
Trong đó, cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 14,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,68%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,45%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 là 30.258 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP. Trong đó vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỷ đồng. Đặc biệt, khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi, sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng 7,78% so với cùng kỳ (trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng 9,07%).
Riêng thương mại - dịch vụ chưa hồi phục, chỉ tăng 0,35% so với cùng kỳ. Nông, lâm và thuỷ sản tiếp tục duy trì với mức tăng trưởng ổn định 3,56%. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 68.776 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay hơn 81.589 tỷ đồng, tăng 2,82%.
Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán; trong đó ước thực hiện thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,5% so với dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.635 tỷ đồng, đạt 108,5% so với dự toán.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỷ USD, tăng 16%.
Tính đến ngày 30/11/2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân của Quảng Nam hơn 4.863 tỷ đồng, đạt 66,6% so với tổng vốn đầu tư công năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Điểm sáng trong năm nay là tỉnh đã đột phá về cải cách hành chính, môi trường đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh; đôn đốc đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, Quảng Nam xác định năm 2022 là tiền đề để địa phương phát triển cho những năm tới. Mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 sẽ là địa phương phát triển mạnh của cả nước.
“Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa từng bước phát triển kinh tế; tập trung phát triển công nghiệp, giao cho doanh nghiệp chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế; nắm bắt lại tất cả các nhóm ngành; tiếp tục tháo gỡ, chấn chỉnh các hoạt động đầu tư nhà ở trên địa bàn”, ông Lê Trí Thanh nói.