Quảng Ngãi: Điêu đứng vì keo chết hàng loạt

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian gần đây, nhiều diện tích keo ở Quảng Ngãi chết hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến người trồng điêu đứng.

Cơn bão cuối năm 2020 quật ngã 1,5 ha trồng keo của gia đình  bà Phạm Thị Se (xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Giữa năm 2021, bà Se đầu tư gần 50 triệu đồng để trồng lại cây keo trên diện tích này, thế nhưng cách đây chừng 1 tháng, rẫy keo của bà Se xuất hiện cây chết khô, gãy ngang thân.

Nhiều cây keo bị chết khô không rõ nguyên nhân.
Nhiều cây keo bị chết khô không rõ nguyên nhân.

Keo mới hơn 2 năm tuổi, còn nhỏ nên không thể bán, bà Se đành chặt để làm củi hoặc vứt bỏ. Tình trạng keo chết cứ ngày càng lan rộng khiến bà rất hoang mang.

“Bây giờ số lượng cây chết lên đến hơn 50% rồi. Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết những vườn keo của các gia đình gần đây cũng gặp phải tình trạng tương tự. Nếu kéo dài như thế này thì chắc mất trắng"- bà Se than thở.

Không chỉ riêng ở huyện Tư Nghĩa, nhiều huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra hiện tượng trên. Tại xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành) có khoảng trên 1.300 hecta trồng keo thì gần 20% diện tích keo bị chết, gãy ngang thân.

Một thân cây keo bị bệnh.
Một thân cây keo bị bệnh.

Đa phần keo bị nhiễm bệnh rồi chết đều đang ở độ tuổi từ 1 – 2 năm, những diện tích từ 3 năm tuổi trở lên ít bị hơn. Biểu hiện chung ban đầu là giữa phần thân cây xuất hiện các mảng nấm màu trắng, lá vàng và héo dần. Đến khoảng 1 tuần sau, cây chết khô, gãy ngang vị trí bị nấm.

“Tình trạng keo chết trước kia cũng có nhưng thời gian gần đây nhiều hơn, chưa rõ vì nguyên nhân gì, có thể là do nguồn cây giống. Người trồng keo chủ yếu tự mua về trồng, thường là mua ở trong tỉnh hoặc từ Bình Định, rất khó kiểm soát ”- bà Phạm Thị Bích Hoa- Chủ tịch UBND xã Hành Thiện cho hay.

Còn ở huyện Sơn Hà, diện tích keo chết nhiều đến mức đáng lo ngại. Ông Đinh Văn Chi-Trưởng phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Sơn Hà cho biết, sau khi phát hiện từ sau Tết Nguyên đán, đến nay, cả 14 xã, thị trấn của huyện đều có diện tích keo bị nhiễm bệnh và chết.

“Toàn huyện có khoảng 1.074 hecta keo bị nhiễm bệnh. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại nhằm có con số chính xác, thực tế nhất để báo cáo lên UBND huyện cũng như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh”- ông Chi nói.

Qua tìm hiểu, tình trạng cây keo chết hàng loạt tăng đột biến tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi từ hơn 1 tháng nay. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, thống kê từ các địa phương cho thấy, đã có trên 14.000 hecta keo bị nhiễm bệnh và chết bất thường.

Cây keo bị bệnh chủ yếu từ 1-2 năm tuổi, người dân buộc phải chặt bỏ, đốt.
Cây keo bị bệnh chủ yếu từ 1-2 năm tuổi, người dân buộc phải chặt bỏ, đốt.

Nhận định ban đầu của ngành nông nghiệp địa phương, nhiều khả năng keo chết do nấm gây bệnh. Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung lấy mẫu gửi giám định tìm nguyên nhân, từ đó có giải pháp xử lý, giúp giảm thiệt hại cho người trồng keo.

“Trước mắt bà con cần chặt, thu gom những cây bị bệnh đem ra ngoài tiêu hủy, không tận thu, vận chuyển qua những nơi khác nhằm hạn chế lây lan. Khi trồng mới cần tuân thủ đúng mật độ, chọn cây keo giống rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và chăm sóc theo đúng quy trình”- ông Nguyễn Thế Vĩnh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo.

Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng keo tương đối lới vớ trên 225.000 hecta. Cây keo được trồng chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ… Những năm qua, keo được xem là "cây thoát nghèo" vì góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Keo được xem là "cây thoát nghèo" ở các huyện miền núi Quảng Ngãi.
Keo được xem là "cây thoát nghèo" ở các huyện miền núi Quảng Ngãi.

3 năm trở lại đây, thiên tai, bão lũ đã khiến cho hàng ngàn hecta keo ở tỉnh này bị thiệt hại. Năm nay, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện và lây lan nhanh, nhiều diện tích chết khô càng đẩy người trồng keo ở Quảng Ngãi vào cảnh khó khăn, thất bát.